Những cảnh báo về một cuộc suy thoái đang rình rập đã tạo nên một cơn sốt. Lạm phát tiếp tục tăng cao, gây ra sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán và các công ty đang bắt đầu chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất với việc sa thải nhân viên, đóng băng tuyển dụng và trong một số trường hợp nghiêm trọng là hủy bỏ lời mời làm việc.
Sự thay đổi đột ngột trong thị trường lao động, sau nhiều tháng triển vọng việc làm mạnh mẽ và mức lương tăng cho nhân viên, khiến nhiều người lao động lo lắng.
Laurence Ball, giáo sư kinh tế tại Đại học Johns Hopkins, nói với CNBC: "Triển vọng việc làm sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều trong vài tháng tới".
Mặc dù không có công việc nào hoàn toàn nằm ngoài tầm ảnh hưởng của suy thoái, nhưng một số ngành nhất định có xu hướng chống chọi giỏi hơn những ngành khác trong thời kỳ suy thoái.
Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, trong suốt thời kỳ Đại suy thoái kéo dài từ năm 2007 đến năm 2009, lĩnh vực xây dựng và sản xuất đã trải qua sự sụt giảm đáng kể về việc làm.
Đó là do trong thời kỳ suy thoái kinh tế, mọi người thường hạn chế chi tiêu và tạm dừng các khoản mua sắm lớn như ô tô và nhà mới, Karen Dynan, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard và là cựu nhà kinh tế trưởng tại Bộ Tài chính Mỹ cho biết. Bà dự đoán rằng những ngành này sẽ có những mô hình tương tự nếu suy thoái kinh tế xảy ra trong thời gian tới.
Theo hai chuyên gia kinh tế Ball và Dynan, các ngành có khả năng chống chịu suy thoái tốt nhất và mang lại sự đảm bảo việc làm ổn định trong thời kỳ suy thoái kinh tế là chăm sóc sức khỏe, chính quyền, máy tính - công nghệ thông tin, và giáo dục.
Điểm chung giữa các ngành này, Ball giải thích, là chúng ít nhạy cảm hơn với những thay đổi của lãi suất và mọi người phụ thuộc vào các dịch vụ này "cho dù nền kinh tế đang bùng nổ hay đang suy thoái".
Theo Ball, mặc dù các trường học đã phải vật lộn để thuê và giữ nhân viên sau đại dịch Covid-19, nhưng giáo dục vẫn có thể là một lĩnh vực ổn định trong thời kỳ khó khăn. Ông hy vọng nhu cầu về nhân viên tại các trường cao đẳng và đại học trên khắp Mỹ sẽ tăng lên nếu suy thoái kinh tế xảy ra, vì nhiều người có thể tìm đến giáo dục đại học "như một cách để đạt được các kỹ năng mới và cải thiện triển vọng việc làm".
Ông nói: "Mọi người có xu hướng học đại học khi thị trường việc làm trở nên tồi tệ. Và nếu bạn vừa tốt nghiệp đại học và thị trường việc làm vẫn còn ảm đạm, bạn nên xem xét việc học lên".
Trong khi đó, Dynan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trau dồi kỹ năng chuyên môn để có thể trở thành một nhân viên có giá trị và cạnh tranh hơn, cho dù bạn có đang tìm kiếm một công việc mới hay không. Theo chuyên gia này, bạn nên kiểm tra kỹ năng nào xuất hiện thường xuyên nhất trong các tin tuyển dụng mà bạn quan tâm và bắt đầu thực hành chúng hoặc hỏi sếp của bạn xem công ty có cung cấp bất kỳ khóa học phát triển chuyên môn hay hội thảo trên web nào không.
"Bạn hầu như không phải làm gì nhiều ngoài trách nhiệm công việc bình thường", bà nói. "Tuy nhiên, việc học những kỹ năng mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm, và có thể thực hiện tốt những kỹ năng đó, là cách bảo hiểm tốt nhất cho bạn".
(Theo Dân Trí)