Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm nay, nước ta chi ra 1,06 tỷ USD để nhập khẩu gần 795.500 tấn hạt điều, tăng 4,8% về lượng nhưng giảm 7,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù giá trị nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2022, song hạt điều là một trong hai mặt hàng nông sản (nhập khẩu ngô đạt 1,536 tỷ USD) có kim ngạch nhập khẩu vượt mốc 1 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay.
Tính từ đầu năm đến nay, Campuchia tiếp tục là thị trường cung cấp hạt điều nhiều nhất cho Việt Nam. Theo đó, nước ta chi gần 676 triệu USD để nhập khẩu điều từ Campuchia, chiếm gần 63,8% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 4 tháng đầu năm nay.
Tanzania, Bờ Biển Ngà, Ghana là những thị trường tiếp theo cung cấp hạt điều cho nước ta với kim ngạch lần lượt là 149,1 triệu USD, 58 triệu USD và 36 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong 4 tháng năm 2023 chỉ đạt 952,5 triệu USD. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5.846 USD/tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù xuất khẩu tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, song ngành điều Việt Nam vẫn đang nhập siêu.
Ngành điều Việt Nam có giá trị xuất khẩu khoảng 3,5-3,8 tỷ USD/năm, dẫn đầu toàn cầu về sản xuất, xuất khẩu trong nhiều năm nhưng vị trí này đang bị lung lay vì điều nhân nhập khẩu tăng mạnh.
Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) phải gửi văn bản “cầu cứu” tới Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Theo Vinacas, chủ trương của các nước trồng điều châu Phi (gần đây có cả Campuchia) là phát triển công nghiệp chế biến nội địa, giảm dần xuất thô. Vì vậy, họ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư các nhà máy chế biến điều. Với điều thô xuất khẩu, họ quy định và giám sát chặt giá xuất khẩu tối thiểu; áp mức thuế suất xuất khẩu cao. Trái lại, họ miễn thuế cho điều nhân xuất khẩu.
Còn tại Việt Nam, cả điều thô và điều nhân khi nhập vào trong nước để chế biến, xuất khẩu đều được miễn thuế.
Với chính sách trên, để tồn tại, các doanh nghiệp chế biến lớn của Việt Nam sẽ chuyển sang nhập khẩu, thu hẹp sản xuất theo hướng tập trung vào vài công đoạn cuối, bỏ phí phần lớn dây chuyền hiện đại đã đầu tư.
Vinacas cũng lo ngại, các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu, chủ yếu là các nhà máy FDI, sẽ chặn dần nguồn nguyên liệu hạt điều thô của các nhà máy Việt Nam, khiến các nhà máy nhỏ và vừa của nước ta bị phá sản, tiến tới chiếm lĩnh thị trường điều nhân thế giới.