Vừa qua, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, các bác sĩ đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ 19 tuổi, đến khám với tổn thương tủy cổ ngang, tê yếu chân tay, đi lại khó khăn do hít bóng cười trong thời gian dài.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoành Sâm, Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tê bì hai tay, hai chân, yếu dần, đi lại khó khăn, kèm ăn ngủ kém. Nữ bệnh nhân có tiền sử hít bóng cười liên tục trong vòng 4 tháng, với số lượng khoảng 4 bình/ngày, một bình tương đương 100 quả.
Các bác sĩ đã cho làm xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả định lượng Homocystein tăng cao, Vitamin B12 giảm mạnh, chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có hình ảnh tổn thương sừng sau tủy cổ. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương thần kinh tủy sống cổ, do ngộ độc khí cười N20.
Bác sĩ chỉ định thuốc tăng dẫn truyền thần kinh, thuốc bổ thần kinh, bổ sung vitamin B12. Sau 5 ngày điều trị theo phác đồ, tình hình sức khỏe bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, chân tay cử động được, chân đi vững hơn. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Sâm, bóng cười bản chất là bóng bay được bơm đầy khí N20. N2O hay còn gọi là khí cười là một trong những hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ. N2O được sử dụng trong y khoa làm thuốc gây mê, nó có tác dụng giảm đau, an thần. Khi hít N2O, con người sẽ có tình trạng kích thích, phấn khích, ảo giác gây cười. Vì vậy, người ta lạm dụng nó cho mục đích giải trí.
Tuy nhiên, hít bóng cười gây ra hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe con người. N2O có tác dụng giống như ma túy, người sử dụng có xu hướng tăng lên để đạt được khoái cảm và dần dần gây nghiện.
Các triệu chứng khi lạm dụng bóng cười như tê bì, yếu chi, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu vitamin B12… Nghiêm trọng hơn là tình trạng ức chế, hôn mê, tụt huyết áp, tê liệt cơ thể và thậm chí là tử vong. Với những người bị bệnh về tim mạch, hen suyễn và các bệnh liên quan tới đường hô hấp, nếu sử dụng và tiếp xúc với khí N2O có thể bị nguy hiểm tới tính mạng do ngạt khí, suy hô hấp.
Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Liệu, Chủ nhiệm Bộ môn Thần kinh, Đại học Y Hà Nội - Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết bóng cười hiện nay chúng ta chưa cấm triệt để. Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân trẻ phải nhập viện do bóng cười do tổn thương não, tổn thương cột sống. Các bệnh nhân đều dùng bóng cười, thuốc lắc, liều dùng ngày càng tăng dẫn tới yếu liệt không đi được.
Theo vị chuyên gia này, não của giới trẻ có thể bị phá hủy bởi các chất kích thích, ma túy tổng hợp. Có trường hợp chụp phim não các phần sâu của não đều bị phá hủy gây run ở bệnh nhân, rối loạn hành vi, cảm xúc, trầm cảm, kích động, sa sút trí tuệ. Các chất này khi vào cơ thể còn ảnh hưởng tới tủy, thần kinh ngoại biên.
Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm khí N2O, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích như bóng cười.