Niềm hy vọng Nhật Bản
Trong lịch sử bóng đá châu Á tham dự Olympic mùa hè, Hàn Quốc là đội duy nhất có cơ hội bước lên bục trao giải, khi giành HCĐ tại London 2012.
Hàn Quốc giành chiến thắng trước chính người hàng xóm Nhật Bản với các bàn thắng của Park Chu Young và Koo Ja Cheol.
Ở U23 châu Á vừa qua, Hàn Quốc để thua Indonesia trong trận tứ kết sau loạt sút luân lưu nên không thể giành vé Olympic Paris 2024.
Đây là lần đầu tiên bóng đá Hàn Quốc vắng mặt ở Olympic sau 9 kỳ liên tiếp góp mặt kể từ 1988, giữa ĐTQG và giới hạn độ tuổi U23.
Khi Hàn Quốc vắng mặt, Nhật Bản là niềm hy vọng lớn nhất của bóng đá châu Á tại Paris.
Nhật Bản đã 2 lần vào trận tranh HCV Thế vận hội mùa hè nhưng luôn thất bại. Ba năm trước, trên sân nhà, "Samurai Xanh" để thua Mexico 1-3.
Sự phát triển của bóng đá Nhật Bản những năm qua rất ấn tượng, từ cấp độ trẻ đến sân chơi ĐTQG.
Nhật Bản chuẩn bị rất kỹ cho Olympic lần này, từ sự phát triển của lứa U20 vào bán kết giải châu lục và dự World Cup U20 năm ngoái, hay mới nhất là ngôi quán quân U23 châu Á 2024.
HLV Go Oiwa kết hợp những nhân tố nổi bật từ các giải đấu này cho tham vọng tiến xa ở Olympic. Kota Takai là thành viên dự U20 thế giới tại Argentina và sau đó vô địch U23 châu Á.
Nhật Bản nằm ở bảng D với các đối thủ được nhận định cân bằng, gồm Mali, Paraguay và Israel.
Để tiến xa và nghĩ đến việc tranh chấp huy chương, thầy trò HLV Go Oiwa phải giành ngôi đầu bảng D. Điều này giúp Nhật Bản tránh Tây Ban Nha - đội nhiều khả năng đứng đẩu bảng C - ở tứ kết.
Câu hỏi cho Iraq và Uzbekistan
Giống như Nhật Bản, Iraq cũng từng vào trận tranh HCĐ ở Athens 2024, nhưng để thua Italy 0-1.
Đó là lần đầu tiên Iraq tham dự Olympic kể từ 1988. Ở Rio de Janeiro 2016, "những chú sư tử Lưỡng Hà" cũng có mặt nhưng không qua được vòng bảng.
Iraq hiện có lứa cầu thủ trẻ xuất sắc, được lĩnh xướng bởi Ali Jassim - cầu thủ mới 20 tuổi nhưng sớm là thủ lĩnh ĐTQG tại Asian Cup và vòng loại World Cup 2026.
Bên cạnh đó là Youssef Amyn sinh ra ở Đức, hay Hussein Ali và Blnd Hassan đang chơi bóng tại Hà Lan.
Đội ngũ trẻ Iraq được bổ sung kinh nghiệm của chân sút Aymen Hussein, tiền vệ Ibrahim Bayesh và trung vệ Saad Natiq. Đây đều là trụ cột của ĐTQG Iraq.
Iraq không may mắn khi rơi vào bảng đấu có Argentina, Maroc và Ukraine. Chiếc vé tứ kết là nhiệm vụ nặng nề với thầy trò Radhi Shenaishil.
Trong khi đó, Uzbekistan lần đầu tiên được dự Olympic dù mang hình ảnh thế lực U23 châu Á (á quân 2 kỳ gần nhất, vô địch năm 2018).
Uzbekistan là đội ngũ với những cầu thủ thi đấu cùng nhau trong nhiều năm, như Mukhammadkodir Khamraliev, Jasurbek Jaloliddinov, Umarali Rakhmonaliev, Diyor Kholmatov, Abdurauf Buriev...
Đội được bổ sung hậu vệ Husniddin Aliqulov, tiền đạo cánh Oston Urunov và nhất là chân sút Eldor Shomurodov đến từ Serie A (thuộc sở hữu của Roma).
Chưa từng bước ra khỏi biên giới châu Á, nên kinh nghiệm của Uzbekistan là hạn chế. Đổi lại, đội có điểm mạnh là sự hiểu ý giữa các cầu thủ và nền tảng thể lực tốt.
Ngoại trừ Tây Ban Nha vượt trội ở bảng C - đối thủ ngay trận mở màn, Uzbekistan có hy vọng cạnh tranh suất tứ kết với Ai Cập và Cộng hòa Domenica.