BRICS chiếm 32% GDP thế giới, vượt G7 

Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) có sự bứt phá rất mạnh về quy mô trong thời gian gần đây sau khi kết nạp thêm 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) kể từ đầu năm 2024.

Trước đó, BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Đây là lần mở rộng đầu tiên của BRICS kể từ năm 2010 nhưng đang có tín hiệu cho thấy nhóm này sẽ kết nạp thêm nhiều thành viên và mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế. Về mặt kinh tế, quy mô của nhóm này cũng đã rất lớn với sản lượng dầu hiện chiếm 80% của thế giới, GDP chiếm hơn 32%. Nhiều khả năng BRICS cũng sẽ có đồng tiền riêng. Nó có thể tác động mạnh tới hoạt động thanh toán trên thế giới, làm giảm giá trị đồng USD và gây lạm phát phi mã tại Mỹ.

Theo truyền thông quốc tế, hôm 28/5, Chính phủ Thái Lan tuyên bố nước này sẽ nộp đơn xin gia nhập Nhóm BRICS trong thời gian tới với tầm nhìn về một thế giới đa cực và vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển trong những vấn đề quốc tế.

Hiện có khoảng 40 quốc gia khác quan tâm đến việc gia nhập BRICS gồm Bahrain, Belarus, Cuba, Kazakhstan, Pakistan, Sénégal và Venezuela…

Theo thống kê của Statista, tới cuối năm 2023, ước tính tổng GDP tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP) của BRICS đã vượt nhóm G7 (gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Ý) năm thứ 3 liên tiếp. Tới cuối 2023, GDP của BRICS chiếm hơn 32% thế giới, trong khi đó G7 là 29,9%. Trong năm 2020, con số của 2 nhóm này đều ở mức xấp xỉ 31%.

Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), BRICS hiện chiếm 36% GDP toàn cầu xét theo phương pháp ngang giá sức mua.

shutterstock_2352051887_Converted.jpg
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Ảnh: BFA

Ước tính năm 2023 GDP của Trung Quốc đạt hơn 17,7 nghìn tỷ USD, của Ấn Độ là hơn 3,7 nghìn tỷ USD, Brazil là hơn 2,1 nghìn tỷ USD, Nga là gần 1,9 nghìn tỷ USD và Nam Phi là 381 tỷ USD. Tổng GDP cả thế giới khoảng hơn 100 nghìn tỷ USD.

Có thể thấy, các quốc gia thành viên BRICS khác nhau khá nhiều về mức độ giàu có, phát triển xã hội và khoa học. Tuy nhiên, có một điểm chung là các nước này có tốc độ phát triển kinh tế cao.

Với sự có mặt của các thành viên mới từ đầu năm 2024, nhóm BRICS chiếm 46% dân số thế giới. BRICS cũng đã tăng cường sự hiện diện ở các khu vực như Trung Đông và châu Phi.

Sẽ có hệ thống thanh toán riêng, đồng USD mất giá?

Theo kế hoạch, BRICS sẽ có hệ thống thanh toán của riêng mình. Cho tới thời điểm này, ngày dự kiến ra mắt đồng tiền chung BRICS vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, Nga và Iran đang hối thúc việc ra mắt một đồng tiền như vậy và cam kết sẽ bắt đầu sử dụng đồng tiền BRICS ngay trong ngày ra mắt và loại bỏ đồng USD trong giao dịch.

Điều này cũng dễ hiểu bởi cả Nga và Iran đều đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và do đó muốn giao dịch các đồng tiền khác USD.

Hiện BRICS đang trong quá trình lập kế hoạch và quyết định về đồng tiền chung. Nhiều khả năng, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 vào tháng 10 tới có thể quyết định số phận của đồng tiền BRICS. 

Vài năm qua, các nhà lãnh đạo trong nhóm khuyến khích sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch tài chính và thương mại quốc tế giữa BRICS cũng như các đối tác thương mại. Hồi cuối năm ngoái, Tổng thống Brazil kêu gọi các nước BRICS nhanh chóng tạo ra đồng tiền chung BRICS cho các hoạt động thương mại và đầu tư trong khối nhằm thay thế và giảm những tác động của đồng USD tới thị trường tài chính.

Với sự có mặt của các nước dầu mỏ lớn như Saudi Arabia và Iran (kể từ đầu năm 2024), BRICS kỳ vọng sẽ dễ dàng thực hiện việc phi USD hóa (dedollarisation).

dutruvangthegioi2024 WGC.gif
Dự trữ vàng của một số quốc gia trên thế giới. Nguồn: WGC

Có thể thấy, trong khoảng 2 năm qua, đồng USD tăng giá rất mạnh theo các quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nó khiến các khoản nợ bằng USD của các nước cũng như việc nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Bên cạnh đó, việc USD tăng giá cũng khiến thị trường tài chính quốc tế và tại các nước trong khối này chao đảo. Nhiều đồng tiền chủ chốt lao dốc như trường hợp đồng Yen Nhật, Nhân dân tệ (NDT) Trung Quốc hay cả euro và bảng Anh.

Theo IMF, lượng dự trữ ngoại hối bằng đồng USD của các nước vào cuối năm 2022 đã xuống mức thấp nhất trong 20 năm, ở mức 58% và nếu điều chỉnh theo sự thay đổi của tỷ giá thì chỉ còn 47%. Con số này có thể giảm mạnh trong năm 2023 và đầu 2024 khi mà rất nhiều nước đẩy mạnh mua vàng để thay thế cho đồng USD.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tính tới tháng 4/2024, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã có 18 tháng mua ròng vàng liên tiếp, đưa tổng dự trữ lên 2.264 tấn.

Trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh bán trái phiếu Mỹ trong khi tăng lượng vàng dự trữ. 

Với việc Trung Quốc mua ròng vàng liên tiếp, theo Goldman Sachs, lượng vàng chiếm khoảng 6% dự trữ ngoại hối của nước này. Đây là tốc độ nhanh chưa từng có, tỷ lệ đã gấp khoảng 3 lần so với năm 2015. Sự thay đổi tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối của nhiều ngân hàng trung ương lớn cũng ghi nhận kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua.

Mặc dù vậy, tỷ lệ dự trữ vàng 6% được xem là thấp và nhiều khả năng Trung Quốc còn tiếp tục mua ròng vàng và giảm tài sản bằng đồng USD.

Như vậy, về dài hạn, khả năng các nước tiếp tục giảm dự trữ ngoại hối bằng đồng USD là rất cao. Tỷ trọng đồng USD trong các hoạt động đầu tư và thương mại cũng sẽ giảm xuống theo cùng sự xuất hiện của các đồng tiền khu vực (trong đó có một đồng tiền của BRICS).

Nếu BRICS bỏ đồng USD trong giao thương, nhiều dự báo cho rằng đồng USD sẽ quay trở về Mỹ và gây ra hiện tượng siêu lạm phát ở nước này. Đồng USD khi đó sẽ giảm giá nhanh. Việc nhiều ngân hàng trung ương giảm nắm giữ đồng USD và đẩy mạnh mua vàng cũng gây áp lực giảm lên đồng bạc xanh.

Trong trung hạn, USD cũng có thể giảm nhanh vì dư địa cắt giảm lãi suất của Mỹ là rất lớn sau khi Fed tăng lãi suất 11 lần trong năm 2022 và 2023.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, USD vẫn được dự báo sẽ tiếp tục treo cao, thậm chí tăng giá so với các đồng tiền khác. Trong vài tháng tới, có thể sẽ có nhiều ngân hàng trung ương giảm lãi suất, trong đó có ECB của khu vực eurozone.

Hiện đồng USD vẫn chi phối hoạt động thương mại toàn cầu và chiếm 90% giao dịch ngoại hối trên toàn thế giới.

BRICS: Thế lực mới chi phối kinh tế toàn cầuNhững nền kinh tế công nghiệp phát triển hiện đang mất dần ảnh hưởng. Trong khi, các nước BRICS đang phát triển ngày một nhanh chóng và đang đóng góp đáng kể vào kinh tế toàn cầu.