“Bữa trưa của học sinh có thực đơn do các chuyên gia dinh dưỡng đề xuất, cung cấp cho tất cả các trường tiểu học và phần lớn các trường trung học cơ sở trên khắp Nhật Bản” - bác sĩ nhi khoa Mitsuhiko Hara, đồng thời là giáo sư tại ĐH Tokyo Kasei Gakuin, chia sẻ.
Học sinh Nhật Bản ăn ít nhất 5 bữa/tuần ở trường, một số trường thậm chí còn có bữa ăn sáng. Do đó, cơ sở giáo dục có trách nhiệm đảm bảo các bữa ăn lành mạnh và đầy đủ giá trị dinh dưỡng cho các em.
Dưới đây là những điều mà các quốc gia và trường học khác có thể học từ bữa trưa học đường lành mạnh của Nhật Bản:
Trẻ được giáo dục về những gì mình ăn
Với người Nhật, chìa khóa cho thói quen ăn uống lành mạnh suốt đời là xây dựng nhận thức về thói quen dinh dưỡng ngay từ khi còn nhỏ.
Không giống như ở các quốc gia khác - nơi bữa trưa thường được phục vụ trong căng tin, ở Nhật Bản, bữa trưa được phục vụ ngay trong lớp học.
Chế độ dinh dưỡng mỗi bữa ăn của học sinh được đưa vào chương trình giáo dục trên lớp, để các em biết mình đang ăn cái gì và tại sao nên ăn.
“Hàng ngày, ở trường có chương trình phát thanh giải thích về thành phần dinh dưỡng có trong bữa trưa, và đây cũng là một cách tốt để giáo dục trẻ em” - GS Hara cho biết.
Vị GS này nói thêm rằng hàng năm, chính phủ Nhật Bản nghiên cứu chế độ dinh dưỡng và thói quen ăn uống của người dân, sử dụng kết quả để định hình những thực phẩm được đưa vào bữa ăn ở trường.
Bữa trưa ở trường là bắt buộc
Ở nhiều quốc gia, học sinh có thể lựa chọn mang bữa trưa đến trường hoặc mua từ căng tin. Tuy nhiên, tại các trường công lập ở Nhật Bản, bữa trưa do nhà trường cung cấp là bắt buộc, không có ngoại lệ kể cả với những em ăn kiêng hoặc ăn chay.
Vì là bắt buộc, nên học sinh không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng các bữa ăn lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng do nhà trường cung cấp.
Trong khi những người thuộc nhóm thu nhập thấp ở quốc gia khác phải chuẩn bị bữa trưa từ nhà cho con cái để giảm chi phí sinh hoạt, thì bữa trưa ở trường học Nhật Bản được chính phủ trợ cấp rất nhiều.
Điều này có nghĩa ngay cả học sinh từ những gia đình có thu nhập thấp hơn cũng có thể ăn uống lành mạnh, và phụ huynh không cần lo lắng về việc chuẩn bị bữa trưa cho con.
“Các gia đình khó khăn thường cố gắng cắt giảm chi phí, kết quả là con cái họ ăn ít protein hơn nhưng lại tiêu thụ nhiều carbs và đường, dẫn đến thừa cân, béo phì" - GS Hara nhận định. Vì vậy, bữa trưa ở trường càng quan trọng hơn đối với trẻ em ở hoàn cảnh này.
Mọi thứ đều tươi và cân bằng
Mỗi bữa ăn tiêu chuẩn được thiết kế để có khoảng 600-700 calo, cân bằng giữa carbohydrate, thịt hoặc cá và rau.
Ví dụ, một bữa ăn tiêu biểu dành cho trẻ em ở tỉnh Gunma của Nhật Bản gồm: cơm với cá nướng, rau chân vịt, rau mầm cùng với súp miso và thịt lợn, sữa và quả mận.
Bữa trưa ở trường học ở Nhật Bản được chế biến tươi, sử dụng thực phẩm nguyên chất thay vì thực phẩm đông lạnh hay chế biến sẵn để bảo đảm giá trị dinh dưỡng ban đầu. Nguyên liệu cũng tươi ngon vì thực phẩm được lựa chọn theo mùa.
Theo GS Hara, người Nhật Bản có ý thức về sức khỏe nên họ cố gắng ăn đa dạng các loại thực phẩm.
"Chúng tôi được dạy ăn theo mùa, điều này cũng góp phần mang lại sức khỏe tốt. Nhật Bản là một trong những quốc gia hiếm hoi chú ý nhiều đến thực phẩm gắn liền với các mùa cụ thể” - GS Hara chia sẻ.
Bảo Huy