- Chương trình Quà tặng cuộc sống của VTV3 tối 19/11 phát câu chuyện "Nhặt xương cho thầy" khiến nhiều nhà giáo bức xúc cho rằng hình ảnh người thầy méo mó.
Tối 19/11, VTV3 phát sóng chương trình Quà tặng cuộc sống với câu chuyện "Nhặt xương cho thầy".
Đoạn phim sau khi được phát sóng đã nhận được hàng trăm bình luận và chia sẻ trên mạng xã hội Facebook. Các ý kiến đều tỏ ra bất bình với đoạn phim mang ý nghĩa “quà tặng cuộc sống” này, đặc biệt là các thầy cô.
Chuyện kể về một gia đình muốn kiếm thầy dạy tư cho con nên đã mời một thầy giáo đến nhà, đãi cơm thịnh soạn. Vì giữ ý với gia đình, ông thầy vờ từ chối thức ăn do cha, mẹ của trò gắp cho, không ngờ bố mẹ cậu bé tưởng thật nên không mời nữa.
Ông thầy rất ấm ức nên nghĩ kế yêu cầu được sắp cơm ăn riêng với trò. Khi chỉ có hai thầy trò, ông thầy ăn hết phần cá, thịt. Học trò được thầy gắp cho vào bát những chiếc xương gà, xương cá.
Ngày thầy trò chia tay, trò chúc thầy thọ 100 tuổi còn mình sẽ thọ 101 tuổi, “để thu gom xương cho thầy ".
Trao đổi với VietNamNet, cô Lan Anh, giáo viên dạy văn Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: Mảng truyện cười dân gian phê phán thầy dốt, tham ăn được nhiều thế hệ Việt Nam biết đến và các thầy, cô cũng có đưa vào trong chương trình cho học sinh đọc thêm. Song đưa vào là để rút ra bài học, phê phán cái xấu và tôn vinh cái đẹp. Nhưng người thầy trong đoạn phim ngắn chỉ thấy tham ăn.
Phim lại phát sóng đúng ngày 19/11, trước ngày lễ tri ân thầy cô trên cả nước. Xem xong ai cũng thấy tác dụng, ý nghĩa nhằm tri ân hay tôn vinh người thầy đã không được thể hiện.
Hình ảnh cắt từ clip |
Thậm chí phim đã hạ thấp nhân cách người thầy khiến hình ảnh thầy cô trở nên méo mó và xấu xí...
“Tôi không hiểu ban biên tập chương trình đã lựa chọn, kiểm duyệt như thế nào để đưa đoạn phim này lên sóng? Đây là cách làm thiếu trách nhiệm gây phản cảm” – cô Lan Anh bức xúc.
PGS Văn Như Cương, Trường THPT Lương Thế Vinh, cũng tỏ ra ngạc nhiên khi biết VTV chọn đưa câu chuyện này đúng vào dịp kỉ niệm ngày Ngày giáo Việt Nam.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: “Từ một câu chuyện tế nhị mà có lẽ ngoài đời cũng hiếm xảy ra để hư cấu, nói quá lên với mục đích nêu triết lý, bài học không có gì xa lạ. Tuy nhiên cách thể hiện như VTV quá thiếu chuyên nghiệp. Nếu người viết kịch bản tồi 1 thì người duyệt, cho phát sóng tồi 10”.
“Có thể đâu đó chuyện có thật nhưng nên đưa vào dịp khác, cách thể hiện khác. Xem đoạn phim tôi chỉ thấy người thầy nhỏ nhen, xấu xí”.
Đăng Duy