Quán bún cá của bà Nguyễn Thị Văn (51 tuổi) nằm trên phố Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội ) là địa chỉ quen thuộc của nhiều thực khách. Bún cá tại đây từng được giới thiệu trên kênh truyền hình Mỹ CNN. "Sau khi lên tờ báo quốc tế, nhiều du khách nước ngoài cũng tìm tới quán thưởng thức. Tôi tự hào về điều đó và càng cố gắng giữ gìn hương vị món bún cá truyền thống", chủ quán chia sẻ
Cuối năm 2009, bà Văn (trong ảnh) mở quán bún tại ngôi nhà cổ số 105 Quán Thánh. Ban đầu, dự định của bà là bán miến trộn, nem của bể, nem tôm. Tuy nhiên hải sản đắt đỏ, bỏ vốn lớn nên bà không đủ sức theo nghề. Bà chuyển sang học làm bún cá và gắn bó tới bây giờ. Vài ba năm trước, quán chuyển về một địa chỉ khác tại Quán Thánh để đủ không gian phục vụ lượng khách đông đúc mỗi ngày
Bà Văn đặt một khu bếp nhỏ ngay mặt tiền quán. Tại đây có hai nồi nước dùng sôi sùng sục, mẹt bún, bánh đa, rau xanh đầy ắp và một tủ kính sắp xếp đủ các loại cá rán giòn, chả cá, tôm bóc vỏ... "Quán mở từ 6h sáng tới 15h chiều hàng ngày, nhưng cao điểm là từ 11h30 - 13h. Nhiều hôm khách đến đông, làm không kịp bán, tôi phải nhờ họ thông cảm đứng chờ", bà Văn cho biết
Cá tại đây được chia làm hai loại, một loại chiên vàng, để ráo dầu mỡ, và một loại thái lát để sống. Khách lựa chọn tùy theo sở thích. Phần cá chiên giòn, bán tới đâu, làm tới đó để luôn nóng hổi, bên ngoài giòn, bên trong mềm, xốp. Theo bà Văn, cá không tẩm ướp bất cứ gia vị nào để đảm bảo giữ được vị thơm ngon, ngọt của cá tươi
Bà Văn sử dụng cá rô phi, đặt mua từ mối quen. 4h sáng, cá được giao tới cửa hàng. Bà Văn làm sạch, khử mùi tanh với bỗng rượu rồi sơ chế. "Cá phải thật tươi để nếu khách chọn loại cá thái lát, không chiên thì khi nhúng vào nước dùng, cá vừa chín tới, thơm chứ không tanh, thịt không bở", bà cho biết
Tôm, chả cá, bánh đa được bà Văn nhập từ Hải Phòng. Phần bún được mua từ cơ sở có tiếng tại Phú Đô. Theo bà Văn, trung bình mỗi ngày, quán bán từ 350 - 400 bát, cao điểm có thể tới 600 bát vào ngày cuối tuần
Nước dùng được ninh từ xương cá trong 3-4 tiếng, nhưng không dùng phần đầu để tránh bị tanh, bùn. Nguyên liệu không thể thiếu trong nổi nước dùng là bỗng rượu (nhưng không quá chua) cùng một ít sá sùng để nước dùng thanh, ngọt. "Riêng phần nước dùng tôi luôn chỉn chu từng chút một, đảm bảo hương vị đủ độ ngọt, độ chua, hài hòa", bà Văn nói
Ăn cùng món bún cá là phần rau cải mơ, giá đỗ. Tùy theo mùa, bà Văn sử dụng thêm rau cần hoặc rau rút.
Giá 1 bát bún cá tại quán là 35.000 đồng, thêm chả cá/tôm là 40.000 đồng. Bát đầy đủ cá - chả - tôm có giá 45.000 đồng. "Tôi thích phần cá tại đây, ngoài giòn, trong mềm, không bị khô. Tôm, rau ăn kèm đều tươi. Mức giá cũng rất phải chăng", chị Nguyễn Huệ (Đống Đa) - một thực khách tại quán chia sẻ
Một số thực khách nhận xét, hương vị của bún cá Văn không quá đặc trưng, nhưng vừa miệng, dễ ăn, thực phẩm tươi, bát bún đầy đặn và chủ quán dễ chịu. "Nên tránh vào quán giờ cao điểm vì lượng khách đông, việc phục vụ sẽ lâu, dễ nhầm lẫn", ông Khánh (Ba Đình) cho biết
Video đăng tải trên kênh CNN vào năm 2019
5 đặc sản thơm ngon, đậm hương vị cố đô nhất định phải thử khi đến Huế Đặc sản Huế nổi tiếng những với những món ăn độc đáo như bún bò Huế, cơm hến, bánh bột lọt, chè bột lọc heo quay, cà phê muối,... du khách nhất định phải thử một lần nếu có dịp tới đây.