Tại Diễn đàn "Đầu tư bất động sản 2019: Rủi ro và Cơ hội", GS. Đặng Hùng Võ chia sẻ, cái đích cần hướng đến là hiệu quả cao của phát triển, quản lý chặt cũng chỉ để phát triển tốt mà bền vững, không phải để xác lập quyền lực của người quản lý. Trong phát triển bất động sản du lịch, cái đích ở đây là đưa kinh tế du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo ông Võ, khái niệm bất động sản đa công năng không phải là điều gì mới ở Việt Nam. Ông dẫn chứng, một chung cư thường có vài tầng dưới cùng làm siêu thị, cửa hàng, văn phòng và các tầng trên làm nơi ở. Vậy thì một số tầng làm nơi cho thuê lưu trú cũng đâu có làm thay đổi chung cư này. Một chung cư cao cấp cần một doanh nghiệp quản lý và một khách sạn cũng cần một doanh nghiệp quản lý, chẳng có gì khác nhau.
"Mọi nhà ở tại đô thị Việt Nam cũng vừa để ở, vừa để làm cửa hàng. Hình thức shophouse hay shopvilla cũng chẳng có gì khác với nhà mặt phố hiện nay. Như vậy, vấn đề trọng tâm không phải là hình thức tên gọi mà là cần hoàn chỉnh khung pháp luật để quản lý và phát triển các bất động sản đa công năng", ông nói.
Theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ trong hai năm 2018, 2019 sẽ có khoảng 40.000 căn hộ condotel được mở bán. Trước sự phát triển nóng như vậy, điều mà các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lo lắng là hiện nay hành lang pháp lý về các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng chưa định hình rõ là bất động sản để ở hay kinh doanh...
“Với nhà đầu tư, sự chưa rõ ràng về pháp lý đối với các loại hình này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong kinh doanh. Ngoài ra, làm thế nào để quản lý, khai thác vận hành dự án bất động sản du lịch một cách hiệu quả và bền vững cũng là những băn khoăn lớn”, ông Võ Tân Thành chia sẻ.
Ở góc độ nhà quản lý, ông Đỗ Huy Hoàng – Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận, không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu rõ về cách thức, quy định pháp lý của các loại hình đầu tư. Trong khi đó, một số quy định pháp lý chưa rõ ràng.
Làm thế nào để thị trường bất động sản bền vững? ông Bùi Xuân Hiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Southern Homes Việt Nam cho biết, từ góc độ thị trường, cơ chế pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng còn nhiều điều phải bàn.
“Để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển lành mạnh, công cụ mà Chính phủ đưa ra thường là khi thị trường phát triển nóng, tăng quá cao thì lấy tín dụng ra kiềm chế lạm pháp. Đây là giải pháp đúng nhưng chưa trọn vẹn”, ông Hiền nhấn mạnh.
Theo ông Hiền, chúng ta cần những biện pháp căn cơ hơn. “Theo đó, với việc siết tín dụng phải đi theo đúng lộ trình và làm thế nào để giảm và tăng lãi suất phù hợp. Đồng thời, phải có hành lang pháp lý rõ ràng để có thể thúc đẩy nhà đầu tư tạo ra những sản phẩm tốt, uy tín và có chất lượng”, ông Hiền đề xuất.
Nam Hải