Hàng không đủ cung ứng
Mới đây, tại Đồng Nai - thủ phủ sầu riêng lớn nhất Đông Nam Bộ - 6 doanh nghiệp đã xuất khẩu 360 tấn sầu riêng Dona và Ri6 sang Trung Quốc theo nghị định thư ký kết giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Dự kiến năm 2023, Đồng Nai sẽ xuất khẩu 20 ngàn tấn sầu riêng, ước đạt 50 triệu USD.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho hay, Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua nhiều loại trái cây Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng. Năm nay, doanh nghiệp của ông ký được hợp đồng xuất khẩu 1.500 container (mỗi container 15 tấn) sầu riêng cho đối tác Trung Quốc. Đến thời điểm này, DN đã trả được 30% đơn hàng.
“Sầu riêng thu hoạch theo lứa nên nếu chín rộ sẽ xuất đi nhiều và ngược lại. Tuy nhiên, thời điểm này đang không đủ hàng trả đơn cho đối tác”, ông nói. Ngoài Trung Quốc, rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, Úc và EU đều ghi nhận mức tăng từ 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Thái Lan cũng đang vào vụ thu hoạch, nhưng xuất khẩu sầu riêng của nước ta vẫn không bị ảnh hưởng do nhu cầu của thị trường Trung Quốc rất lớn.
Miền Tây đang vào cuối vụ thì các tỉnh miền Đông lại bắt đầu vào vụ sầu riêng, sau đó là các tỉnh Tây Nguyên. Đây là thuận lợi của sầu riêng Việt vì cho thu hoạch liên tục gần như quanh năm.
Những ngày này, Chánh Thu đều đặn đóng sầu riêng để xuất sang thị trường Trung Quốc, bà cho hay.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam, cũng cho biết, doanh nghiệp đang tất bật chuyển bị các đơn hàng vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản, Đức, Anh, Trung Đông,... Tại thị trường Nhật Bản, năm nay, doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu lượng vải thiều tăng khoảng 30-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, sầu riêng xuất sang Nhật cũng tăng trưởng tốt.
Vừa qua, không chỉ xuất khẩu quả vải thiều sang các thị trường truyền thống, nhiều doanh nghiệp còn khai mở thị trường Anh. Quả vải thiều, vải thiều không hạt của Việt Nam lên quầy kệ siêu thị Anh được bán với giá 400.000-800.000 đồng/kg.
Các doanh nghiệp nhận xét, năm nay xuất khẩu các loại trái cây, rau quả sang hầu hết các thị trường đều thuận lợi, đơn hàng tăng trưởng đều đặn. Song, bùng nổ nhất vẫn là thị trường Trung Quốc.
Đáng chú ý, thị trường hơn 1,4 tỷ dân này không chỉ ăn lượng sầu khổng lồ mà còn ồ ạt mua nhiều loại rau quả khác của nước ta. Bởi vậy, cuối tháng 5 vừa qua, lượng xe chở nông sản lên cửa khẩu xuất sang Trung Quốc tăng đột biến, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã phải cảnh báo về tình trạng ùn ứ tại khu vực cửa khẩu biên giới.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, chia sẻ, xuất khẩu thanh long thuận lợi hơn những năm trước rất nhiều. Từ cuối năm ngoái đến nay, giá bán thanh long luôn cao hơn giá thành, nông dân có lãi.
Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, nông dân lãi khoảng 400 triệu đồng/ha/năm.
Rau quả có thể đem về 4,5-5 tỷ USD
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 5 vừa qua xuất khẩu rau quả thu về 656,2 triệu USD, tăng 67,7% so với tháng 4/2023. Còn tính hết tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 2,03 tỷ USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rau quả là mặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất của ngành nông nghiệp trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023.
Trung Quốc vẫn là khách hàng số một, chiếm 63,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của rau quả Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay (so với 50,6% cùng kỳ năm 2022). Đáng chú ý, chỉ trong tháng 5/2023, Trung Quốc đã chi gần 483 triệu USD để mua rau quả của nước ta, tăng đột biến, gấp gần 5 lần so với tháng 5/2022.
Tính đến hết tháng 5 năm nay, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 1,29 triệu USD, tăng 78,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhìn nhận, 5 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu rau quả trở thành điểm sáng của ngành nông nghiệp.
Theo ông, các mặt hàng rau quả xuất khẩu đều có xu hướng tăng trưởng tốt. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bùng nổ đơn hàng. Nhờ vậy, 5 tháng năm đầu năm nay xuất khẩu sầu riêng đạt 503,4 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm trước (27,6 triệu USD).
Trong số các thị trường nhập khẩu, Trung Quốc nhập sầu riêng Việt nhiều nhất với giá trị 477 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
"Nếu chúng ta được cấp thêm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, hạn ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt khoảng 400-500 ngàn tấn thì năm nay loại quả này có thể thu về khoảng 1,5 tỷ USD", ông Nguyên nói với PV. VietNamNet.
Ngoài ra, mặt hàng thanh long cũng có thể lấy lại vị thế trái cây tỷ USD nhờ Trung Quốc "ăn hàng" mạnh hơn những năm trước. Sản lượng thanh long của Trung Quốc đang sụt giảm do hạn hán nên họ nhập khẩu nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Còn quả chuối, năm ngoái xuất khẩu chỉ đạt 311 triệu USD thì năm nay, xu hướng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... tăng mạnh. Do vậy, xuất khẩu chuối dự kiến thu khoảng 700-800 triệu USD.
Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch là lợi thế lớn đối với xuất khẩu rau quả Việt Nam nhờ vị trí địa lý gần. Những năm trước, thị trường này chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, hiện con số này tăng lên gần 65% và có thể chiếm tới 70%. Tuy nhiên, chúng ta cần chú trọng vào chất lượng, cải tiến về mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường, ông Nguyên lưu ý.
Về kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay, ông Nguyên khẳng định chắc chắn đạt 4,5 tỷ USD, con số kỷ lục mới. Nếu không có biến động theo chiều hướng xấu, phía Trung Quốc tiếp tục cấp thêm mã số vùng trồng cho sầu riêng thì năm 2023 ngành rau quả có thể thu về gần 5 tỷ USD.