Tác giả Phan Mai Hương là hội viên của các hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Hòa Bình. Chị có chuyên môn thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam hiện đại, vốn là giáo viên dạy Văn ở Trường THPT chuyên Hòa Bình.
Tập truyện ngắn của nữ nhà văn người Mường do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2024 gồm có 11 tác phẩm đặc sắc. Trong đó, tác giả viết các đề tài cuộc sống, nếp sinh hoạt của quê hương cũng như xã hội đương thời với những lát cắt mỏng, nhưng đậm vị.
Xưa đến nay, đề tài làng quê trong văn học luôn khơi gợi cảm giác yêu thương, nhớ nhung và chạm đến tận cùng trái tim người đọc. Cuốn sách của Phan Mai Hương không dừng lại ở đó, đọc kỹ từng câu, từng chữ chị viết mới thấy lối đi riêng đầy cá tính.
Phan Mai Hương có mẹ là người Mường, cha mẹ đều sinh ra từ Mường, bản thân chị lớn lên cùng Mường, mang nặng ân nghĩa của Mường. Bởi vậy, có người nói nữ tác giả là một “pho" thư tịch về Mường, một cộng đồng dân tộc có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời nhất trong 54 dân tộc anh em Việt Nam.
Quả thật, các tác phẩm của Phan Mai Hương đều được đặt trong không gian văn hóa Mường đặc sắc, ở đó có dáng hình của bà, của hoàng hôn, con sông quê êm đềm, tĩnh mịch... khiến người đọc mải mê không muốn bước ra khỏi trang sách.
“Đang giữa mùa đông sương muối, hơn năm giờ ráng chiều vàng hoe, trong chợ đã sẫm tối, dáng bà ngồi nổi bật bệ vệ giữa đống lồng gà vịt. Tôi bí xị ngồi xuống chiếc ghế gỗ mòn nhẵn bóng loáng hơi lõm xuống, mặt chỉ tươi lên khi bà đưa cho chùm nhãn”.
“Đêm ấy, tôi mơ thấy bà thong thả bước thư thái nhàn hạ, che đầu là chùm hoa phượng nở đỏ thắm. Dưới lòng sông con nước lũ đỏ ngầu dềnh lên, nước mấp mé chực vỗ mặt đê. Mẹ bảo, cả nhà này chỉ có con Vy là mơ thấy bà về, như thể bà nội chỉ là của nó thôi”.
Với Phan Mai Hương, khi đặt bút vào bối cảnh quá khứ hay hiện tại, thực tế hay hiện thực huyền ảo, sử dụng bút pháp hư cấu hay phi hư cấu thì đều bật lên hình ảnh chân thực, sống động như những thước phim. Đó lại biệt tài của chị. Nói cách khác, dù ngòi bút đặc sắc và sáng tạo đến nhường nào, tác phẩm của Phan Mai Hương chưa bao giờ bật ra khỏi nguyên tắc quan trọng nhất của văn học: phản ánh những vấn đề thời sự.
Trong tập truyện dày 250 trang, Cầu thang không có chín bậc được xem là tác phẩm gan ruột, chỉ riêng số trang đã chiếm gần 10% của cả tập sách. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời bà Mon. “Tên thời con gái của bà là Mến. Tục xứ Mường, khi có con thì gọi theo tên con cả, chỉ khi về với tổ tiên mới dùng tên cha mẹ đặt cho. Bà có con gái lớn tên là Mon thì được gọi là bà Mon, còn chồng là ông Mon”.
Giải thích về Cầu thang không có chín bậc, Phan Mai Hương viết: “Với người Mường, cầu thang chính là xương sống của ngôi nhà. Có xương sống mới làm nên dáng hình, mới thổi được linh hồn vào ngôi nhà...”.
Cầu thang không có chín bậc dẫn người đọc đi vào những ngóc ngách đời sống sinh hoạt và thế giới nội tâm nhân vật: “Dù cầu thang cũ kỹ, vẹt mòn, lỏng lẻo, đặt chân lên cứ chực lật nhào vào trong, nhưng bà Mon thuộc mặt ba bậc, nhắm mắt lại hình dung ra từng bậc. Bà thuộc cầu thang như ý thức về thân phận. Bà Mon có hai đứa con gái, cả 13 tuổi tên Mon, út tên Điệp. Mẹ góa con côi, nhưng số phận đưa đẩy bà Mon gặp người đàn ông đi rừng, bây giờ gọi là ông Mon, trong hoàn cảnh cũng éo le không kém...”.
Đôi lúc, tác phẩm “thôi miên” người đọc khi tập trung tả những thói quen và công việc thường ngày của người Mường, vô cùng gần gũi, thân thương: “Cây giang dùng cho nhiều việc, chẻ nan cứng bó chổi, chuốt cật đan ớp ("ớp" là chiếc giỏ nhỏ dành cho phụ nữ Mường, thường được cột vào thắt lưng bằng dây sợi bông và quả len nhiều màu - PV) đi rừng, đan hộp đựng trầu cau kim chỉ cho các bà các cô, chẻ lạt mỏng dành gói bánh tày bánh uôi ngày giỗ Tết...”.
Bạn bè, đồng nghiệp nhận định Phan Mai Hương ngoài đời luôn vui vẻ, nói cười nhưng trong tác phẩm, chị là người chỉn chu, cẩn trọng. Thưởng thức tập truyện ngắn Cầu thang không có chín bậc mới thấy tác giả cầu toàn đến mức nào - từ cách chọn trang bìa, khổ sách, cho tới font chữ.
“Trong đời này, ngẫm ra có thể gặp rất nhiều người, lúc này họ là bạn bình thường, lúc kia là tri kỷ, lúc khác họ làm cho ta hận. Bất kể là ai, thì họ cũng cho ta một bài học nào đó mà ta gọi là học phí cuộc sống”.
Những dòng viết đó, Phan Mai Hương đặt ở gần cuối cuốn sách, giống như trút ra một tiếng thở dài nhưng nhẹ nhõm, khiến độc giả có cảm giác ai đó đang ngồi bên, lắng nghe và trò chuyện cùng mình. Đó là thành công không hề nhỏ của người cầm bút.
Sự giàu có, quyền lực, giáo dục, công nghệ và văn hóa là những vấn đề phổ biến và thường xuyên được tranh luận sôi nổi trên báo chí cũng như văn học. Điều đó chứng tỏ năm tháng không làm thay đổi bản chất con người, những biến động của xã hội thường chỉ là bề ngoài nhưng văn học là vĩnh cửu. Và Phan Mai Hương là một cây viết giàu nội lực.