Nhưng thực tế chỉ người trong cuộc mới thấm thía, rằng nghề nào cũng có những vất vả và áp lực riêng.
Bỏ công việc giảng viên về bán hàng
Cách đây 5 năm, chị Đặng Hồng Hạnh (Hoài Đức, Hà Nội) quyết định bỏ hẳn công việc giảng viên ở một trường đại học sư phạm để chuyển sang làm kinh doanh tự do. Thực ra, chị đã nhen nhóm ý định từ lúc sinh bé thứ 2 nhưng phải 6 năm sau, chị mới mạnh dạn thực hiện ý định có thể coi là táo bạo này.
Khi quyết định nghỉ việc, khó khăn lớn nhất mà chị phải tháo gỡ là tư tưởng của bố mẹ hai bên. Cả ông bà nội ngoại đều không muốn chị bỏ nghề giáo viên - một công việc mơ ước của nhiều người và được đánh giá là ổn định, phù hợp với phụ nữ. “Bố mẹ đẻ thương mình mất công học hành. Bố mẹ chồng thì vẫn muốn con dâu có việc làm ổn định, là giáo viên tốt hơn làm nghề bán hàng”.
Thời điểm chị Hạnh sinh bé thứ 2 cũng là lúc công việc có nhiều áp lực, chị phải đi học tiến sĩ. Chị vẫn nói mình bỏ việc vì “sợ khổ”. “Xét thấy mình không đủ khả năng vừa đảm bảo kinh tế vừa học hành tử tế, lại cảm thấy mình không yêu thích công việc này, đi làm chỉ vì có lương ổn định và đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ nên mình bỏ việc”, chị Hạnh tâm sự.
Lúc mới nghỉ việc, chị không dám nói với bố mẹ, chỉ nói là tạm nghỉ, sau đó chị dùng dằng đi làm cho bố mẹ khỏi buồn. Đến tận 5 năm sau, chị mới chính thức cho bố mẹ biết là sẽ không bao giờ đi làm nữa. Lúc đó, bố mẹ chị cũng đã chấp nhận. “Đến giờ, tuy không nói thẳng ra nhưng mẹ chồng mình vẫn tiếc”.
Từ lúc chuẩn bị nghỉ việc, chị đã có một cửa hàng bán đồ cho mẹ và bé để làm thêm - công việc mà chị thực sự yêu thích. “Mình thích đồ cho trẻ con, thích nói chuyện với các mẹ về những đứa con, nên ban đầu mình làm kinh doanh rất bản năng, không hề biết tính toán lợi nhuận. “Cứ mỗi ngày làm thêm một ý tưởng, mỗi ngày thử một thứ, thất bại cũng nhiều. Lần thất bại lớn nhất là phải đóng một cửa hàng sau 2 năm hoạt động”.
Còn hiện tại, chị duy trì hoạt động của 2 cửa hàng khá thuận lợi. Như nhiều người làm tự do khác, công việc giúp chị dành được nhiều thời gian cho con cái hơn. Chị luôn được dự mọi cuộc vui của con, con ốm thì luôn có mẹ ở nhà cùng, việc qua lại với bố mẹ 2 bên cũng không cần phải chờ ngày nghỉ.
Thời điểm mới nghỉ làm, chị có chút hụt hẫng khi được chủ tịch công đoàn gọi lên lấy quà 1/6 cho con. Chị bỗng nghĩ rằng, “thế là sau này con mình không có quà của cơ quan mẹ”.
“Mình cũng có chút lo lắng: Không biết con có tự ti khi có mẹ làm nghề bán hàng không? Còn về công việc thì mình không nuối tiếc”.
“Cũng có lần mình chạnh lòng khi mẹ chồng lỡ nói rằng sau này mình không có lương hưu, rồi lấy ví dụ người này người kia không có lương hưu nên phải phụ thuộc chồng”.
Bạn bè chị cũng nhiều người chia sẻ với chị ý định nghỉ việc. Những lúc ấy, chị chỉ nói: “Nghỉ việc sẽ phải làm nhiều hơn lúc đi làm, làm tự do nhưng không được tự do đâu, ngày lễ mọi người được nghỉ còn mình thì làm quanh năm”.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chị chưa thấy hối hận về quyết định cách đây 5 năm vì được làm đúng công việc mà mình cảm thấy vui mỗi ngày. “Thậm chí, nếu cho mình chọn lại, mình sẽ nghỉ việc sớm hơn, dứt khoát hơn”, bà mẹ 3 con chia sẻ.
Bán hàng online, nhặt nhạnh từng nghìn đồng
Là một trong số nhiều chị em tham gia tích cực vào thị trường bán hàng online sau khi nghỉ việc, chị Phạm Nhàn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, “mặc dù cũng kiếm được trung bình 8-10 triệu/tháng nhưng lối đi này rất chông gai, chứ không ‘màu hồng’ như nhiều người nghĩ”.
Sau khi nghỉ việc vì bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chị Nhàn chuyển qua bán hoa quả, thực phẩm đông lạnh online. Khách hàng chủ yếu là người dân trong khu chung cư mà chị sống.
Để có mức thu nhập chục triệu mỗi tháng, chị phải bán tới hàng trăm mặt hàng khác nhau. Do đặc thù hoa quả là hàng hoá nặng và người dân ở trong khu nên chị phải giao hàng tới tận cửa nhà cho khách. “Hôm nào có vài chục đơn hàng là hôm ấy đi ship mỏi chân, xách hàng đau cả tay. Mà lời lãi không nhiều, tôi chỉ lãi được 8-10 nghìn đồng mỗi đơn hàng, tích tiểu thành đại”.
Cũng vì bán hàng online cho người dân trong khu dân cư nên “ác mộng” nhất với chị là mỗi lần nhắn tin đòi tiền khách. “Thông thường, chúng tôi chỉ xách đồ đến cửa, bấm chuông, để hàng ngoài cửa rồi khách sẽ chuyển khoản trả tiền sau theo số tài khoản đính kèm trong túi hàng. Nhưng cũng nhiều trường hợp khách quên chuyển khoản, hoặc mua nhiều, quen nên tôi cho nợ, để cả tháng trả tiền một lần cho tiện”.
Cũng vì thế mà có người nợ đến 4-5 tháng trời, nhắn tin đến vài lần vẫn chưa thấy chuyển khoản, cứ hứa hẹn lần nữa mãi. “Có khách chuyển khoản xong thì mắng ‘sáng sớm đã đòi tiền’ rồi chặn tài khoản mình luôn”, chị Nhàn chia sẻ những chuyện dở khóc dở cười của nghề bán hàng online.
Chị Nhàn cũng từng gặp tình huống bị khách “tố” hoặc “cạch mặt”, không mua lại khi không may bổ hoa quả ra thấy bị hỏng. “Nhiều loại quả bên ngoài đẹp đẽ nhưng khi bổ ra mới biết là hỏng, cái đó người bán cũng không biết được. Nhưng thay vì góp ý riêng để cùng xử lý, đền bù thì khách chọn ‘cạch mặt’ hoặc ‘bóc phốt’ mình trên nhóm. Nhưng giả sử ra chợ mà mua phải hàng kém chất lượng thì người ta có thể dễ dàng cho qua”.
Sau gần 3 năm bán hàng online, mới đây, chị Nhàn đã đi làm trở lại cho một công ty xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, chị vẫn muốn tiếp tục bán hàng online như một nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập và có cơ hội giao lưu với nhiều chị em trong khu.
Nhưng nếu ai đó muốn bán hàng online lâu dài, là nghề chính thì phải suy nghĩ thật kỹ, chị Nhàn khuyên.
“Bây giờ bán hàng online rất khó, nhà nhà người người bán hàng online, người bán thì nhiều người mua thì ít. Nếu bạn nào muốn nghỉ việc để về bán hàng online thì hãy suy nghĩ cho thật kỹ. Bản thân tôi dù bán hàng được vài năm nhưng vẫn muốn có một công việc ổn định sáng đi tối về, lương tháng lĩnh đều đặn”.
Ảnh: NVCC