Một điểm đến, đa dịch vụ
Từ chỗ chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ bưu chính truyền thống, là nơi đọc sách báo miễn phí, Bưu điện - Văn hoá xã giờ đã “thay mình” với diện mạo mới khang trang và đa dịch vụ.
Đến Bưu điện - Văn hoá xã, người dân có thể nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, gửi thư từ, hàng hóa, gửi tiết kiệm, chuyển tiền, mua hàng tiêu dùng, sách, vở, lịch,…. thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Năm 2020, Bưu điện Việt Nam đã thí điểm triển khai chuyển đổi 228 Bưu điện - Văn hoá xã tại 41 tỉnh thành sang mô hình cấp quản lý thứ 4, mở ra cánh cửa phát triển của hệ thống Bưu điện - Văn hoá xã trong giai đoạn mới.
Trong đó, chất lượng phục vụ của nhân viên Bưu điện - Văn hoá xã được đặc biệt chú trọng nâng cao để mang đến người dân những giá trị thiết thực. 228 Trưởng Bưu điện - Văn hoá xã được đào tạo, nâng cao kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng để trở hành người đại diện cho Bưu điện Việt Nam trên địa bàn.
Tại Bưu điện - Văn hoá xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội), người dân đến gửi hàng, mua sắm nhộn nhịp.
Anh Lê Văn Đồng - nhân viên Bưu điện - Văn hoá xã Phụng Châu cho biết: “Từ khi triển khai mô hình đa dịch vụ, Bưu điện - Văn hoá xã đã từng bước thay đổi và trở thành điểm đến đáng tin cậy của người dân, không chỉ trong việc sử dụng các dịch vụ bưu chính mà còn giống như một “siêu thị thu nhỏ” với các mặt hàng tiêu dùng chất lượng cao”.
Cũng theo anh Đồng, những năm đầu chuyển đổi sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ, doanh thu chỉ đạt khoảng 10-20 triệu đồng/tháng, nay đã nâng lên bình quân đạt 100-150 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày, có khoảng gần 100 lượt khách đến sử dụng các dịch vụ tại BĐ-VHX.
Là khách hàng quen thuộc của điểm Bưu điện - Văn hoá xã Phụng Châu, cô Lê Thị Loan chia sẻ: “Đồ dùng trong gia đình từ nước rửa chén đến mì/phở ăn liền, gạo, nước mắm, gạo, tôi đều mua tại Bưu điện - Văn hoá xã. Một phần bởi gần nhà, phần khác vì các sản phẩm đều có nguồn gốc rõ ràng, giá cả lại ổn định so với mặt bằng chung”.
“Ngày trước, muốn mua các loại hàng tiêu dùng tôi chỉ dám mua ở cửa hàng quen hoặc lên tận siêu thị mới yên tâm về chất lượng, nguồn gốc. Giờ có Bưu điện - Văn hoá xã ngay gần nhà nên tôi không phải đi xa nữa. Một số sản phẩm là hàng độc quyền của Bưu điện Việt Nam nên không thể tìm được ở đâu khác. Bây giờ ở đây nhiều dịch vụ lắm, không chỉ có gửi thư, gửi hàng như ngày xưa nữa và càng ngày càng thuận tiện cho người dân hơn”, cô Loan cho biết thêm.
Còn với ông Đào Văn Hòa, tuần nào cũng vậy, ông thường đến Bưu điện - Văn hoá xã Phụng Châu ít nhất 1-2 lần, khi thì lĩnh lương hưu, lúc thì gửi hàng, mua bánh, sữa, giấy, gạo, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế.
Ông Hoà chia sẻ: “Đến Bưu điện - Văn hoá xã thường xuyên nên tôi cũng biết qua về các dịch vụ cung cấp tại đây. Từ gửi thư, gửi hàng đến các dịch vụ bảo hiểm, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và bán hàng hóa tiêu dùng thường ngày, tất cả đều là những dịch vụ thiết thực, phục vụ đúng nhu cầu của người dân nên việc bà con trong xã tin tưởng sử dụng nhiều cũng là điều dễ hiểu”.
“Cánh tay nối dài” thúc đẩy chuyển đổi số
Không chỉ là cầu nối giao tiếp giữa Bưu điện và người dân vùng nông thôn bằng các dịch vụ thiết thực, Bưu điện - Văn hoá xã còn là nơi truyền đạt tri thức, phổ biến những kiến thức, công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế số nông thôn.
Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bưu điện - Văn hoá xã triển khai hiệu quả Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Mỗi một điểm Bưu điện - Văn hoá xã đã trở thành một gian hàng số trên sàn TMĐT Postmart.vn với nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương cùng đa dạng các mặt hàng tiêu dùng. Các gian hàng số này không chỉ là nơi người dân có thể đặt mua những sản phẩm cần thiết, phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày mà còn là “đầu ra” hiệu quả hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản trong giai đoạn khó khăn.
Cũng từ các điểm Bưu điện - Văn hoá xã này, hàng chục nghìn hộ nông dân đã được các nhân viên hướng dẫn làm quen với một phương thức kinh doanh mới, hiệu quả và bên vững hơn thông qua sàn TMĐT Postmart.vn. Người dân được hỗ trợ tạo lập tài khoản, hướng dẫn cách đưa sản phẩm lên sàn và bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok…. Khoảng cách nông thôn - thành thị, người bán - người mua cũng nhờ vậy mà rút ngắn đáng kể.
Năm 2023, thực hiện Chỉ thị 03/CT-BĐVN ngày 15/6/2023 về việc xây dựng và phát triển Bưu điện - Văn hoá xã trong thời kỳ mới, 8.380 điểm Bưu điện - Văn hoá xã trên toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển dịch dần các kênh kinh doanh theo mô hình kênh phân phối hiện đại. Từ đó, nâng tỷ trọng đóng góp doanh thu qua Bưu điện - Văn hoá xã trên tổng doanh thu của toàn Tổng công ty lên 25 - 35% vào năm 2025, góp phần đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số cũng như nâng cao giá trị văn hóa tinh thần, dân trí cho người dân, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách nông thôn với thành thị.
Thúy Ngà