Động thái "hờ hững" của Trung Quốc trước thị trường vàng đang “nóng”, khiến nhiều nhà đầu tư vàng lo lắng. Số liệu của WGC cho thấy, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc không có sự thay đổi so với tháng 5, vẫn ở mức 2.264,3 tấn vàng.
Đây là tháng thứ 4 liên tiếp, Trung Quốc không mua thêm số vàng nào. Điều này cho thấy, Trung Quốc không mua vàng “vì đam mê” bất chấp giá cả như trước đó.
Thị trường vàng từng cho rằng, Trung Quốc muốn gom mua thêm vàng bất kể giá nào. Nhưng thực tế, Trung Quốc không hề mua vàng ồ ạt như nhiều nhà đầu tư nghĩ.
Từ tháng 5, giá vàng tăng mạnh, liên tiếp lập nhiều kỷ lục mới. Đây cũng là thời điểm Trung Quốc ngừng mua vàng.
Từ đầu năm tới nay, giá vàng thế giới tăng 21%, có thời điểm lập đỉnh lịch sử mới 2.531 USD ngày 20/8. Theo các chuyên gia, khả năng cao giá vàng tăng mạnh, đang kìm hãm nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu, trong đó có Trung Quốc.
Do giá vàng tăng, theo dữ liệu cho thấy, giá trị dự trữ vàng của Trung Quốc tăng lên 182,98 tỷ USD vào cuối tháng 8, tăng so với 176,64 tỷ USD cuối tháng 7.
Trước đó, từ tháng 11/2022, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) trở thành “cá mập” mua vàng lớn nhất trên toàn cầu. Theo WGC, năm 2023, PBC mua 225 tấn, tương đương khoảng 1/4 trong tổng số 1.037 tấn mà tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới mua vào.
Theo DW, Trung Quốc dự trữ ngoại hối khổng lồ, chủ yếu bằng USD. Lo ngại quá phụ thuộc vào USD, nước này phải đa dạng hoá dự trữ của PBC, trong đó có vàng.
Người tiêu dùng Trung Quốc mua tiền vàng, thỏi vàng và đồ trang sức trong bối cảnh giá bất động sản, đồng NDT và chứng khoán nước này giảm mạnh do những khó khăn kinh tế gần đây.
John Reade, chiến lược gia thị trường chính tại WGC cho hay, từ đầu năm, thị trường ghi nhận hoạt động mua bán lẻ lớn của Trung Quốc. Khối lượng mua kỷ lục trên sàn vàng Thượng Hải.
Mặc dù Trung Quốc không mua vàng, nhưng một số nhà phân tích cho rằng hoạt động mua vào của ngân hàng trung ương vẫn là động lực chính thúc đẩy vàng thỏi trong năm nay.