Cà Mau có bờ biển dài 254km. Thời gian qua, trên toàn tuyến bờ biển có khoảng 150km bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, sạt lở từ 20-50m/năm, bình quân mỗi năm bờ biển Cà Mau bị sạt lở mất khoảng 450ha. Ngoài ra, sạt lở bờ sông cũng là vấn đề lớn đặt ra với Cà Mau.
Với sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, sự cố gắng nỗ lực của Cà Mau, trong hơn 10 năm qua tỉnh đã xây dựng được hơn 50 km kè bảo vệ bờ biển.
Kết quả đạt được khá tốt nhưng so với yêu cầu thì còn thiếu hụt rất xa, chỉ mới kè được khoảng 30% các đoạn bờ biển sạt lở nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, bảo vệ được 20% chiều dài bờ. Với nguồn lực và tiến độ như hiện nay, theo tính toán của ngành chức năng thì 40 năm nữa Cà Mau mới hoàn thành việc bảo vệ bờ biển.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, khó khăn nhất trong bảo vệ bờ biển hiện nay là thiếu nguồn lực đầu tư; trong khi đó, các quy định pháp luật hiện hành quản lý rất nghiêm ngặt vùng ven biển, đồng thời chưa có cơ chế, chính sách để huy động, thu hút nguồn lực đầu tư.
Ðể giữ đất, Cà Mau đang thay đổi cách tiếp cận nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay vì bị động hoặc trông vào các giải pháp đê cứng, Cà Mau tiếp cận thu hút phát triển kinh tế biển ven bờ gắn với hệ thống “đê, kè mềm,” phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nuôi trồng thuỷ sản ven bờ gắn với tạo các lớp chắn sóng, tạo vùng bồi lắng và tái tạo rừng ngập mặn.
Điển hình trong đó là phát triển các dự án điện gió, đây được xem là giải pháp góp phần chắn sóng và gió; dự án điện mặt trời ven biển với hệ thống kè mềm chắn sóng góp phần tạo vùng bồi lắng và vùng nước nuôi biển.
Thay vì phá bỏ rừng để phát triển kinh tế, các dự án sẽ giúp giữ đất, tái trồng rừng ngập mặn. Hướng tiếp cận này được nhiều doanh nghiệp quan tâm lập dự án, nhất là dọc bờ biển Tây của Cà Mau. Qua đó, tỉnh sẽ giảm được áp lực đầu tư công vào các công trình đê kè ven biển.
Xem ra, để Cà Mau nói riêng, các tỉnh trong vùng nói chung “phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu” như tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu. Ðặc biệt, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng cho vùng.
Ngọc Hiển