Viện Pasteur TPHCM những ngày này đông đúc gấp 7-10 lần bình thường, khi nhiều người dân đến tiêm phòng sau ca tử vong do bệnh bạch hầu ở Nghệ An.
Viện Pasteur TPHCM chiều nay cho biết vắc xin ngừa bạch hầu đã tạm hết. Viện đang khẩn trương mua vắc xin trực tiếp theo Luật Đấu thầu để bổ sung thuốc trong những ngày tới.
Trước đó, 7h30 sáng cùng ngày, vợ chồng anh Trần Quốc Hưng Ân (ở Bình Dương) có mặt tại Viện Pasteur TPHCM để tiêm phòng sau khi đọc các thông tin về bệnh bạch hầu.
“Dù chưa đọc thấy có ca mắc bạch hầu ở phía Nam nhưng chúng tôi cứ đi tiêm ngừa cho yên tâm. Nơi tôi sống không có vắc xin bạch hầu nên hai vợ chồng phải lên đây” - anh Hưng chia sẻ.
Chị Minh Anh (TPHCM) cho biết, vợ chồng chị cùng cha mẹ chồng và 3 con chuẩn bị đi du lịch. Để đảm bảo an toàn, cả nhà chị cùng đi tiêm phòng trước kỳ nghỉ.
BSCK1 Đinh Văn Thới - Trưởng Phòng khám tiêm chủng của Viện cho hay trong các ngày 9 và 10/7, số người đến tiêm ngừa vắc xin bạch hầu tăng đột biến. Trước đó, mỗi ngày phòng chỉ tiếp nhận từ 10-15 trường hợp còn hiện nay, con số này là khoảng 100.
Hôm nay, số người đến tiêm vắc xin bạch hầu vẫn tiếp tục tăng, trong đó có nhiều trẻ lớn và người cao tuổi.
Theo ông Thới, số lượng vắc xin bạch hầu tại Viện còn không nhiều. Lãnh đạo Viện đã chỉ đạo khẩn cấp mua bổ sung, cố gắng không để thiếu vắc xin, làm gián đoạn công tác tiêm chủng.
Các triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu bao gồm đau họng, sốt, sưng cổ và suy nhược. Sau vài ngày nhiễm trùng đầu tiên, người bệnh có thể có các lớp phủ dày, màu xám bao phủ các mô ở mũi, amidan và cổ họng nên khó thở, khó nuốt.
Bác sĩ khuyến cáo nếu phát hiện cơ thể có các triệu chứng trên, người dân cần chú ý theo dõi và đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh kịp thời.
Đi một mình đến Viện Pasteur TPHCM để tiêm vắc xin phòng bạch hầu, ông Hoàng Sơn (67 tuổi, ngụ quận 1) cho biết, sau đại dịch Covid-19, ông càng thấu hiểu việc phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh. "Không chỉ phòng ngừa cho mình mà còn bảo vệ cho những người xung quanh nữa” - ông Sơn nói.
Theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TPHCM, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm và chưa được thanh toán nên mầm bệnh vẫn còn lưu hành ở cộng đồng. Việc tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng hô hấp và thực hiện vệ sinh hô hấp là quan trọng.
Ngoài ra, các cơ quan y tế cũng có thể tiến hành các biện pháp phòng chống dịch, giảm nguy cơ lây lan như truy vết người tiếp xúc, tiêm chủng cho người có tiền sử tiếp xúc với người bệnh và điều trị người bệnh bằng kháng sinh.
Bà Trần Thị Hương (TPHCM) cho biết, bà đã qua địa chỉ tiêm phòng gần nhà nhưng hết vắc xin nên phải tới Viện Pasteur TPHCM.
"Tôi đã có tuổi, sức đề kháng thấp nên đi tiêm phòng cho yên tâm. Hôm qua, nhiều người trong gia đình tôi cũng đã tiêm rồi" - bà Hương chia sẻ.
Theo bác sĩ Đinh Văn Thới, người chưa có miễn dịch chống lại bạch hầu cần được tiêm vắc xin đủ mũi và đúng lịch. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu. Vì vậy, khi trẻ từ 2 tháng tuổi cần thiết phải tiêm phòng.
Trẻ nhỏ thường được tiêm vắc xin 5 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm gan B - HiB) hoặc 6 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt - viêm gan B - HiB).
Trẻ lớn và người lớn có thể sử dụng các vắc xin 4 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt), 3 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà) hoặc 2 trong 1 (bạch hầu - uốn ván).
Phụ nữ mang thai nên tiêm 1 liều vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà trong thời gian từ 27-36 tuần thai để bảo vệ mẹ và em bé.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như:
Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vắc xin có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.
Người dân ở nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Trong trường hợp tiếp xúc gần, cần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.
Người dân không để tâm lý hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin đại chúng không chính thống, không tự ý tiêm chủng vắc xin chứa thành bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vắc xin có chứa thành phần bạch hầu.
Sau khi có ca tử vong do bạch hầu, ngành y tế đang rà soát các đối tượng tiếp xúc gần, cách ly, tránh lây lan, nhiều người dân đã thắc mắc về việc tiêm vắc xin ngừa bệnh cho người lớn.