Về miền Tây nhà nhà đều có cái đìa, mương nước. Mùa nước lớn cá từ sông lên ruộng kiếm ăn, khi nước cạn, chúng xuống đìa, mương ẩn nấp, sinh sản. Chính vì thế mà hoạt động tát đìa bắt cá đồng đã trở thành nét đẹp văn hoá của bà con nơi đây.
Tờ mờ sáng, cha con ông Tư Chiến (ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) sửa soạn máy bơm, xô, rổ… tát cạn đìa sau nhà bắt cá.
Nhớ về kí ức năm xưa, ông Chiến cho biết, cá đồng nhiều vô kể, mỗi lần tát đìa thu hoạch 100 – 200kg. Nghe đến trong ấp có người tát đìa, bà con tới đông vui lắm.
“Trong ấp nhà nào tát đìa là mình đến phụ, rồi tới lượt mình, họ cũng giúp lại, kiểu làm ‘dằn công’ với nhau. Bây giờ khác rồi, cá tôm ít quá nên mạnh nhà nào, nhà nấy làm. Nhớ lại mà thấy tiếc nuối”, ông Chiến kể.
Tát đìa bắt cá là công việc khá nặng nhọc nên chỉ có đàn ông, thanh niên trai tráng tham gia, dù mệt nhưng ai nấy đều phấn khởi. Trên bờ đìa, chị em phụ nữ đi vòng tìm và chỉ cá để các anh bắt.
Đìa cạn nước, cá lớn chui vào bùn, vào hang lẩn trốn, vì vậy người bắt cá phải có kinh nghiệm, lần mò kỹ, không bỏ sót vị trí nào. 1 con, 2 con… rồi đầy xô cá. Những con cá lóc, cá trê, cá rô đồng lần lượt bị “tóm gọn”.
Nói về chuyện tát đìa, anh Ngô Minh Chiểu (ngụ TP Cà Mau) cho hay, vui nhất là lúc bắt cá. Lúc đó, khoảng 4, 5 người trong nhà kéo xô, rổ dàn hàng ngang mò khắp đìa, kể cho nhau nghe những câu chuyện tiếu lâm.
“Bắt cá xong, mặt mũi ai nấy đều lấm lem bùn. Mệt nhưng mà vui, được gần gũi thiên nhiên. Về quê thấy bình an, không khí trong lành. Xuất phát từ thôn quê nên mỗi lần thấy tát đìa là mê lắm”, anh Chiểu tâm sự.
Cá sau khi bắt được khẩn trương rửa sạch để tránh bị ngợp chết. Đồng thời, chủ đìa cũng tiến hành phân loại cá, đủ trọng lượng bán cho thương lái hoặc thả lại nuôi giống hay làm mắm, làm khô.
Tát đìa xong, gia đình ông Tư Chiến chọn vài con cá lóc to đem đi nướng trui bằng rơm, món ăn dân dã mà vô cùng hấp dẫn. Ông nhanh tay dùng thanh tre xiên từ miệng tới đuôi cá rồi cắm thẳng xuống đất, phủ kín rơm, châm lửa để nướng. Rơm được thêm liên tục để giữ hơi nóng.
Ông Chiến cho biết, việc canh thời gian nướng rất quan trọng, nếu nướng quá chín, cá sẽ bị khô, mất vị ngọt của thịt, còn nướng chưa đủ độ chín thì cá tanh và nhão.
Rơm tàn, để cá ra tàu lá chuối, cạo sạch lớp vảy cá dính bụi than bên ngoài sẽ lộ ra phần thịt được nướng chín vàng. Xé từng thớ thịt cá trắng mềm, chấm vào chén muối ớt, gia đình quây quần bên nhau, cười nói rôm rả.