- Hiện, số người mù chữ của cả nước còn nhiều (khoảng gần 2 triệu người) nhưng số người đi học xóa mù chữ rất ít. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn lơ là, số liệu báo cáo không cập nhật và sai thực tế.
Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT) chỉ ra những tồn tại còn hiện hữu tại hội nghị. |
Đó là những thống kê được Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT) đưa ra tại hội nghị Sơ kết học kỳ 1 năm học 2017-2018 đối với giáo dục thường xuyên.
Về công tác xoá mù chữ, hiện còn một số khu vực có tỉ lệ biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi 15-60 luôn thấp hơn so với mặt bằng chung của toàn quốc như khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ), khu vực miền núi phía Bắc.
Một số tỉnh có tỉ lệ biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi 15-60 rất thấp tới dưới 90% như: Lai Châu, Cà Mau, Trà Vinh, Đắk Lắk, Kiên Giang, An Giang.
Số người mù chữ còn nhiều, khoảng gần 2 triệu người nhưng số người đi học xoá mù chữ rất ít. Tỉ lệ huy động người mù chữ đi học xoá mù chữ chỉ khoảng 3% toàn quốc. Nhiều tỉnh không vận động được người đi học xoá mù chữ như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Kiên Giang, Bến Tre,…
Điều đáng nói, theo ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT), một phần nguyên nhân trong đó là kết quả thống kê xoá mù chữ thiếu tin tưởng.
Công tác điều tra cơ bản số người mù chữ hằng năm ở một số địa phương chưa được coi trọng, số liệu báo cáo không cập nhật và sai thực tế.
“Nhiều báo cáo đọc là thấy vô lý ngay nhưng vẫn để. Một số địa phương khi tổng hợp chưa chính xác dẫn đến tỉ lệ biết chữ độ tuổi 15-60 cao hơn tỉ lệ biết chữ độ tuổi 15-35, như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên,Đắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng”, ông Hinh nói.
Ông Hinh thẳng thắn đánh giá hiện nhiều tình còn lơ là trong công tác xóa mù chữ. "Cứ coi như là tỷ lệ đạt cao rồi nhưng số liệu chưa chắc đã đúng".
Do đó, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng các Sở cần lưu ý và cần thẳng thắn nhìn rõ những hạn chế trong công tác giáo dục thường xuyên.
Thanh Hùng