Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2016-2020, cả nước có trên 3,7 triệu người hưởng BHXH một lần, bình quân trên 740 nghìn người rút một lần mỗi năm.
Số lao động rút BHXH một lần liên tiếp tăng cao trong những năm qua và không ngừng tăng lên. Đây là thực trạng đáng lo ngại bởi nó tác động trực tiếp tới quyền lợi lao động và ảnh hưởng an sinh xã hội.
Rút vì không còn nguồn nào khác...
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số người và số tiền trả BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước, tổng tiền trả BHXH một lần năm 2020 hơn 28.000 tỷ đồng. Số người hưởng BHXH một lần chủ yếu là nữ, làm việc trong khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài.
Khoảng 20% số người này đã có thời gian tham gia BHXH từ 6 năm trở lên. Tình trạng này được lý giải do người lao động khi mất việc do dịch Covid-19 đã gặp nhiều khó khăn về tài chính. Lý do rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt thay vì tiếp tục đóng để có thêm tích lũy hưởng lương hưu về già.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho hay, trong ba tháng đầu năm nay có gần 209.000 lao động chọn rút BHXH một lần (tăng 1% so với cùng kỳ). Trong đó, riêng TP.HCM có hơn 37.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ. Lao động chọn rút bảo hiểm một lần nhiều nhất ở TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh... khiến cơ quan bảo hiểm quá tải.
Ông Mai Đức Chính, nguyên Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu thực tế, nhiều người lao động, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp sau khi đóng BHXH được 10 đến 12 năm nghỉ việc đã phải rút BHXH một lần thay vì tiếp tục đóng để hưởng lương hưu.
Ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Công nhân và Công đoàn cho biết, đa số những người lao động rút BHXH một lần là lao động nghèo. Do không có thu nhập nên họ phải rút chính những đồng tiền tích cóp từ đóng BHXH để duy trì cuộc sống hiện tại.
“Sau Covid-19, lao động không có việc làm tăng cao. Trong khi đi cùng với họ là cả gia đình nên dù biết rút BHXH một lần là không nên nhưng họ vẫn rút vì không còn nguồn nào khác..." - ông Thọ nêu thực tế.
Nên bảo lưu để hưởng lương hưu?
Ông Vũ Quang Thọ cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận, lao động ở khu công nghiệp Việt Nam đa số là lao động nghèo, họ vào doanh nghiệp với bàn tay trắng. Sau 6-10 năm khi họ rời doanh nghiệp phần lớn vẫn không có tích cóp gì nhiều, nên khi bị mất việc, không có việc làm sẽ rất khó khăn nên họ phải rút BHXH một lần.
Ông Thọ cho rằng, trong và sau dịch Covid-19 nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời tới người lao động, thế nhưng đa số đó là những chính sách tức thì, chỉ giải quyết được nhu cầu cuộc sống của người lao động trong thời gian ngắn. Do vậy, về lâu dài, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhà nước cần hỗ trợ người lao động có việc làm và thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống, tiếp tục đóng BHXH hỗ trợ cuộc sống về già.
Với những lao động khó khăn, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, có thể cho vay qua hình thức quỹ giúp đỡ công nhân khó khăn với lãi suất ưu đãi để người lao động giải quyết khó khăn trước mắt. Khi có được công việc ổn định, người lao động sẽ trả dần.
"Nguyên nhân chủ yếu là do sau khi nghỉ việc cuộc sống lao động gặp khó khăn, không tìm việc làm mới. Do vậy, Chính phủ cần có quỹ hỗ trợ người lao động cho vay với lãi suất thấp, tạo thêm việc làm để họ ổn định cuộc sống, có điều kiện tiếp tục tham gia đóng BHXH hướng tới hưởng lương hưu" - ông Mai Đức Chính đề xuất.
BHXH Việt Nam khuyến nghị người lao động không nên chọn rút BHXH một lần, nên bảo lưu thời gian đóng hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để hưởng lương hưu, được cấp thẻ bảo hiểm y tế với mức hưởng 95% khi đi khám bệnh.
"Với những lao động rút BHXH một lần về già sẽ không có lương hưu hoặc hưởng mức thấp, không đảm bảo cuộc sống, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đây là thực trạng đáng lo ngại, tác động trực tiếp tới quyền lợi lao động và ảnh hưởng an sinh khi dân số Việt Nam đang bắt đầu già hoá" - BHXH Việt Nam cảnh báo.
Vũ Điệp