2 trong số 3 chiến sĩ PCCC hy sinh hôm qua trẻ quá, với một em mới 24 tuổi và một cháu, vâng, phải gọi như thế, vì cậu ấy sinh năm 2003, bằng tuổi con gái mình. Biết bao dự định, ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ và tương lai phía trước đột ngột chấm dứt trong khi làm nhiệm vụ, và rồi, đọc được cái post này của trung úy Đỗ Đức Việt, chính là chàng trai 24 tuổi, 1 trong 3 chiến sĩ hy sinh, thấy nghẹn ngào vô cùng.
Sự hy sinh ấy chắc chắn phải có một ý nghĩa nào đó đối với những người được cứu sống hôm qua, những người đang sống như chúng ta và đau xót trước cái chết của họ, cũng như đặt ra những câu hỏi cần lời giải đáp từ các cơ quan hữu quan, chẳng hạn tại sao những vụ cháy này xảy ra, làm thế nào để hạn chế chúng, xử lý thế nào với những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra vụ hoả hoạn.
Và nữa, trong cuộc sống hỗn độn và gấp gáp này, liệu có khi nào chúng ta sẽ quên họ, vì có thể rất sơ ý, chủ quan, thiếu ý thức, gây ra những đám cháy khi vứt một mẩu thuốc lá vào nơi dễ cháy, hoặc phớt lờ những quy định về an toàn trong hàn xì?
Bỗng nhớ cuộc nói chuyện với một người bạn cũ nhiều năm trước. Bạn bảo, sẽ không bao giờ cho con mình làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm thường trực như PCCC. Bạn quan niệm rằng đó không phải là một nghề hot, không kiếm được nhiều tiền.
Lại nhớ khá lâu rồi, có một lần chat với một chiến sĩ PCCC trẻ nói là độc giả của mình. Khi mình hỏi “tại sao em làm nghề này, em có nghĩ đến những hiểm nguy sẽ phải đối mặt không?”, cậu trả lời, cậu thi vào trường PCCC và rồi làm nghề này bởi đó là một công việc có ích trong xã hội. “Nếu ai cũng nghĩ PCCC là một công việc nhọc nhằn, đầy rủi ro và tránh né, vậy khi xảy ra cháy, ai sẽ đi chữa cháy cứu người?”, cậu hỏi lại.
Nhiều bộ phim Hollywood đã mô tả những người lính cứu hoả như những người anh hùng. Nhưng không cần đến những bộ phim ấy, họ cũng đã là người anh hùng và thực tế cuộc sống đã chứng minh điều ấy. Họ được xã hội tôn trọng và tôn vinh vì những việc họ đã làm, vì những mất mát và hy sinh trong cuộc chiến với lửa để cứu người.
Họ không chỉ có kỹ năng để thực hiện công việc, họ còn có trái tim của một con sư tử và sự dũng cảm của một chiến binh. Có một câu nổi tiếng của Susan Diane Murphree, một tuyên uý cứu hoả Mỹ: “Những người lính cứu hỏa không bao giờ chết. Họ chỉ đơn giản là cháy mãi trong trái tim của những người mà họ đã cứu”.
Kính cẩn nghiêng mình trước các chiến sĩ PCCC đã hy sinh. Các anh sẽ không bao giờ bị lãng quên…
Trương Anh Ngọc