Dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới, ông Phan Quốc Việt (74 tuổi) và bà Nguyễn Thị Minh Tâm (73 tuổi, cùng quê Nghệ An) bất ngờ nhận được món quà quá đỗi ngọt ngào từ các con.
Con cháu bí mật tái hiện lại không gian đám cưới xưa, đưa ông bà đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Trong đó, người lên ý tưởng và góp công thực hiện nhiều nhất là con dâu Trần Thị Mỹ Hạnh (34 tuổi, Hà Nội).
Tình yêu của bố mẹ sưởi ấm gia đình
Chị Trần Thị Mỹ Hạnh cùng quê Nghệ An và về làm dâu gia đình ông Việt được 8 năm. Suốt khoảng thời gian đó, chị Hạnh sống trong hạnh phúc, yêu thương của nhà chồng.
Vợ chồng chị Hạnh đang sống và làm việc ở Hà Nội. Mỗi lần về quê, chị Hạnh chỉ ăn, nói và cười nhờ có bố mẹ chồng thoải mái, hiện đại.
Khi con cháu sum họp, vợ chồng ông Việt thích ăn quán để các con, nhất là con dâu không phải rửa chén. Ông bà đều lớn tuổi nhưng không kén ăn. Cả hai đều đã nghỉ hưu, riêng ông Việt làm bác sĩ nên vẫn làm thêm ở ngoài.
“Bố mẹ rất yêu thương nhau, không khí gia đình lúc nào cũng ấm áp. Thế nên, con cháu thấy vậy tự bảo ban, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.
Đặc biệt, mẹ Tâm được cưng chiều nhất nhà, cả chồng lẫn con ai cũng quý mến, trân trọng.
Hiếm có gia đình nào như gia đình chồng tôi, không có sự phân biệt giữa con dâu và con ruột. Thậm chí, mẹ chồng cưng con dâu hơn con gái, chuyện gì cũng kể con dâu nghe”, chị Hạnh chia sẻ.
Chị Hạnh kể thêm, bố mẹ chồng cùng quê, quen biết nhau từ hồi học lớp 4. Từ nhỏ, cả hai đã thích nhau, lớn lên thì bắt đầu yêu.
Đỗ đại học, ông Việt rời quê đến Hà Nội học tập và làm việc. Khi ông chuẩn bị “đi B”, bà Tâm tự lo đồ đạc mang ra Thủ đô làm lễ cưới.
Đám cưới đơn sơ, không có người thân, bạn bè, chỉ có đồng nghiệp chung đơn vị của ông Việt. Sau lễ cưới, bà Tâm lại ôm hành lý về thẳng nhà chồng.
Thương đám cưới của bố mẹ thiệt thòi, các con của ông bà thường tâm sự với vợ hoặc chồng mình. Cách đây vài tháng, chồng chị Hạnh bảo: “Nhanh thật, mới đây mà đã sắp đến kỷ niệm 50 năm ngày cưới của bố mẹ”.
Nghe chồng thủ thỉ, chị Hạnh dự định mua quà đặc biệt tặng bố mẹ chồng. Tuy nhiên, chị nghĩ món quà nào rồi cũng trở thành bình thường nên cần làm gì đó đặc biệt hơn.
Vậy nên, chị Hạnh bàn bạc với chồng về việc bí mật tổ chức lễ kỷ niệm ngày cưới cho bố mẹ. Ban đầu, chị dự định thuê một resort ở Ninh Bình, trang trí tiệc kỷ niệm hiện đại. Tuy nhiên, nếu chọn địa điểm ở xa thì các thành viên khác sống ở miền Nam khó thu xếp về tham dự.
“Nhà tôi đã tổ chức cái gì thì phải có đầy đủ con cháu. Thế nên, qua bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định làm lễ kỷ niệm ngày cưới cho bố mẹ chồng ở Vinh. Buổi lễ diễn ra đúng ngày cưới (7/4) của ông bà vào 50 năm trước”, chị Hạnh chia sẻ.
Mua nhẫn kim cương, trang trí lễ cưới thời xưa
Con cháu quyết tâm giữ kín chuyện tổ chức lễ kỷ niệm ngày cưới cho vợ chồng ông Việt. Vì vậy, mọi sự chuẩn bị đều diễn ra âm thầm, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể.
Chị Hạnh kể, chị dâu và chị chồng ở quê nhận trách nhiệm trò chuyện lấy thông tin từ ông bà. Cả hai tranh thủ lúc ăn cơm khơi chuyện, nài nỉ ông bà kể về đám cưới thời xưa, những người thân quen.
Hai người lén vào phòng của bố mẹ chụp trộm ảnh kỷ niệm, gửi cho chị Hạnh đem đi in, phóng to.
Sau khi lên danh sách khách mời, con dâu lớn của ông Việt đến từng nhà mời mọi người đến chung vui. Chị còn cẩn thận căn dặn khách mời giữ bí mật giúp gia đình.
Về phần mình, chị Hạnh chịu trách nhiệm lên ý tưởng, trang trí cho buổi lễ. Qua đắn đo, chị quyết định tái hiện không gian lễ cưới thời xưa.
“Tôi lên mạng tìm hiểu về đám cưới thời xưa, rồi mua các vật dụng cũ như chăn con công, giấy dán… Món nào ở Hà Nội không có thì tôi về nhà mẹ đẻ tìm mua hoặc mượn của bà con”, chị Hạnh kể.
Về quà tặng bố mẹ, trong quá trình “khai thác thông tin”, các con của ông Việt biết bố dự định tặng mẹ một chiếc nhẫn cưới.
Không thể tự mua nhẫn vừa tay bố mẹ, hai người chị ở quê đưa bố mẹ đi mua nhẫn nhưng không tiết lộ đó là nhẫn cưới. Cùng thời điểm đó, chị Hạnh cho 2 con của mình tập làm phù dâu, cầm nhẫn đưa cho ông bà.
Thế nhưng, bố mẹ chồng của chị Hạnh mua được nhẫn thì đeo luôn vào tay. Để lấy lại nhẫn, các chị phải lừa bố mẹ bằng cách nói tiệm vàng nhờ thu lại cặp nhẫn để khắc phục lỗi viên kim cương sắp rơi ra.
Đến ngày 7/4, vợ chồng chị Hạnh xuất phát lúc 2h sáng từ Hà Nội về TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Trên đường về, cả hai ghé vào huyện Diễn Châu, chở các dì ra dự tiệc kỷ niệm của bố mẹ.
Về đến nhà hàng, vợ chồng chị Hạnh gấp rút trang trí hôn đường theo phòng cách 50 năm về trước. Đến 16h cùng ngày, việc trang trí hoàn tất, con cháu của ông Việt cũng tập trung đông đủ.
Ngày hôm đó, con trai lớn của ông Việt nhận nhiệm vụ mời bố mẹ ra nhà hàng. Để lừa bố mẹ, anh này nói chỉ ra quán ăn đơn giản, đến ngày 30/4 con cháu về đông đủ thì làm thêm bữa liên hoan khác. Anh dặn bố mẹ ăn mặc đẹp để nhờ bạn chụp ảnh kỷ niệm.
Vợ chồng ông Việt bị các con lừa mà không chút nghi ngờ. Ông Việt mặc áo vest chỉnh tề, còn bà Tâm mặc áo dài trắng mà các con bí mật mua tặng.
17h cùng ngày, khách mời vẫn chưa đến đông đủ. Thế nên, chị Hạnh nhắn anh chồng giữ chân bố mẹ. Không biết phải làm thế nào, anh phải giả vờ đau bụng để câu giờ.
Đến khi em dâu nhắn mọi thứ đã sẵn sàng, anh mới chở bố mẹ đến. Vừa bước xuống xe, vợ chồng ông Việt ngạc nhiên khi con cháu các nơi đều có mặt, ùa ra chúc mừng.
Chị Hạnh nhanh tay đưa bó hoa lay ơn đỏ thắm, cài thêm chiếc voan lên tóc mẹ chồng.
Vợ chồng ông Việt mắt chữ A, miệng chữ O và rươm rướm nước mắt, nắm tay nhau bước vào nhà hàng. Cửa nhà hàng mở ra, pháo hoa bung tỏa, khách mời, bạn bè, thông gia… vỗ tay, ông bà ngạc nhiên thêm lần nữa.
Lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới của bố mẹ chồng chị Hạnh diễn ra suôn sẻ, hạnh phúc, ngập tràn tiếng cười xen lẫn nước mắt.
Sau buổi lễ, gia đình chị Hạnh về nhà bố mẹ chồng ở lại thêm 1 ngày, trong khi các thành viên khác phải vội vàng trở về nhà.
“Đêm đó, bố mẹ chồng tôi xúc động đến mất ngủ. Ông bà bảo tất cả như một giấc mơ, cứ mở clip buổi tiệc xem đi xem lại”, chị Hạnh kể.
Hạnh phúc của bố mẹ chồng mang đến cho chị Hạnh nhiều cảm xúc khó diễn tả. Chị cảm thấy yêu cuộc sống, yêu bố mẹ, yêu anh chị em hơn. Chị thấy mình may mắn khi làm dâu trong một gia đình có sự gắn kết thân tình hiếm có.