Với hàng ngàn cặp vợ chồng vô sinh, giấc mơ có một đứa con thường chỉ có thể thực hiện được ở những nơi như Thái Lan hoặc Ấn Độ. Có nhiều phụ nữ trẻ sẵn lòng giúp họ làm việc này, tức là trở thành những người đẻ thuê.  

{keywords}

Trong bức ảnh chụp ngày 3/8/2014, sản phụ người Thái là Pattaramon Chanbua, 21 tuổi, chụp cùng với Gammy – cậu bé 9 tháng tuổi sinh ra bị hội chứng Đao tại bệnh viện Sri Racha, tỉnh Chonburi, miền nam Thái Lan. Cặp vợ chồng nhờ Chanbua mang thai hộ đã mang em bé sinh đôi còn lại về Australia, bỏ mặc Gammy và người mẹ đẻ thuê.

Hãng tin AP cho biết, hầu như việc mặc cả bao giờ cũng vừa lòng các bên, trừ khi có điều gì đó xảy ra không như mong đợi.  

Trường hợp một cặp vợ chồng người Australia bị cáo buộc bỏ rơi đứa trẻ và người mẹ đẻ thuê người Thái Lan – vì phát hiện ra đứa trẻ mắc hội chứng Đao -  đã soi rọi những mảng tối trong lĩnh vực kinh doanh phần lớn còn chưa kiểm soát được ở Thái Lan.  

Trên thực tế, người mẹ đẻ thuê mang trong mình hai đứa trẻ sinh đôi. Nhưng cặp vợ chồng người Australia (bố mẹ về mặt sinh học) chỉ muốn nuôi đứa bé khỏe mạnh, và bỏ rơi cậu bé tóc vàng, mắt xanh còn lại. Đứa trẻ không may mắn mắc bệnh Đao, kèm với điều kiện bẩm sinh về tim không tốt. Sự việc đã làm cả thế giới bàng hoàng. 

Cũng như nhiều cặp vợ chồng khác, những người Australia này chọn Thái Lan để thuê đẻ vì nhiều lý do, chi phí thấp, vấn đề luật pháp đỡ phức tạp hơn.  

Luật sư Nandana Indananda cho biết khách hàng chính tại Thái Lan là các cặp vợ chồng người Hong Kong, Đài Loan, Australia – nơi mà việc đẻ thuê còn bị cấm. 

Cùng với đó, tại đây có vô vàn phụ nữ nghèo khó sẵn sàng sinh con hộ để lấy tiền, và đầy rẫy bác sĩ có các kỹ năng chuyên khoa sản hạng giỏi.   

Tương tự như Thái Lan, Ấn Độ cũng trở thành một trung tâm đẻ mướn với giá rẻ nhờ các bác sĩ tài ba, hạ tầng y tế và quá đông những phụ nữ nghèo sẵn sàng nhận tiền để nuôi bào thai cho người khác.  

Mỗi ca mang thai hộ từ A tới Z được trả với mức giá trung bình là 18.000 USD cho tới 30.000 USD. Trong đó, chi phí trả cho người nhận đẻ thuê từ 5.000-7.000 USD. 

Chi phí mang thai hộ ở Thái Lan và Ấn Độ rẻ hơn so với ở Mỹ hoặc các nước khác. Ở châu Á, chi phí này nói chung vào khoảng 60.000-70.000 USD, bao gồm vé máy bay đi lại và chi phí ăn ở. Tại Mỹ, chi phí vào khoảng 150.000 USD. 

Năm 2001, Ấn Độ đã hợp thức hóa việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, nhưng vẫn có một hệ thống các quy định để kiểm soát ngành công nghiệp mang lại 1 tỉ USD mỗi năm. 

Tuy vậy, những quy định vẫn là chưa đủ để kiểm soát hình thức sinh con hộ, nên dẫn tới những vụ lạm dụng. 

“Trong nhiều trường hợp, nếu bị hư thai các thai phụ gặp phải tình trạng tay trắng” – Giám đốc Nghiên cứu Xã hội tại New Delhi là Ranjana Kumari cho biết. 

“Thực tế, các đại lý sẽ đổ tội cho các thai phụ này vì đã không giữ được đứa bé”.  

Manasi Mishra – tác giả của hai báo cáo về tình trạng đẻ mướn tại Ấn Độ - nói về việc nhiều phụ nữ bị lừa đảo hoặc chia tiền không như hứa hẹn ban đầu. Với số tiền đáng ra được trả, đó đồng nghĩa với một ngôi nhà mới, hoặc tương lai học hành tử tế hơn cho con cái, vì khoản đó lớn hơn nhiều số tiền mà họ có thể tích góp trong 10 năm. 

Một phụ nữ bán hàng ăn người Thái là Pattaramon Chanbua, 21 tuổi, cho biết ‘ngành công nghiệp này có mảng tối của nó’. Cô từng mang thai hộ, và không được trả đủ số tiền 9.300 USD như hứa hẹn.  

Còn về phía các cặp vợ chồng phải viện tới dịch vụ này, câu chuyện với họ cũng không hề dễ dàng. Thậm chí như vợ chồng Kylie và Cameron Yong, dù đạt được ước nguyện có được những đứa con mình hằng mong muốn, nhưng họ cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn.  

“Tôi không nghĩ là mọi người hiểu cảm giác khi bạn không thể có được một gia đình đúng nghĩa, việc có được đứa con khó khăn tới nhường nào. Chúng tôi phải lận đận suốt 12 năm ròng” – Kylie nói. “Tôi nghĩ mọi người cho là việc này dễ dàng trải qua – nhưng thực tế không phải vậy”. 

Huỳnh Thị Chuyên