Phình cả động mạch và tĩnh mạch, rất khó thuyết phục
Phát biểu tại hội trường, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (An Giang) dẫn lại tờ trình cho rằng nếu được thông qua thì lực lượng bảo vệ trị an cơ sở có khoảng 1,5 triệu người hưởng ngân sách thường xuyên, giảm 500.000 người.
Tuy nhiên, số lượng này chưa thực sự thuyết phục vì theo Pháp lệnh công an xã hiện nay mới chỉ có 126.000 công an xã bán chuyên trách. Theo Nghị định 38 năm 2006, bảo vệ dân phố chỉ có ở phường, thị trấn, số lượng thực tế là 70.000 người.
Còn theo luật Phòng cháy chữa cháy, do không chịu được chi phí về ngân sách nên mới chỉ có 23% cơ sở thành lập lực lượng này và con số thực tế là 500.000 người.
ĐB Nguyễn Mai Bộ |
Như vậy, ba lực lượng này hiện nay là 696.000 người, trong khi đó công an xã bán chuyên trách và bảo vệ dân phố là lực lượng thường xuyên chỉ có khoảng 196.000 người, còn 500.000 dân phòng theo quy định chỉ được hưởng khi thực sự làm việc hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ.
Vì vậy, ĐB Bộ lưu ý, nếu thông qua luật này, số lượng người tăng thêm để hưởng ngân sách hàng tháng của địa phương là 804.000 người chứ không phải giảm đi 500.000 người. Ông lo lắng nếu dùng ngân sách địa phương chi trả cho lực lượng này thì không còn để chi đầu tư phát triển, bố trí cho an sinh xã hội.
ĐB đề nghị cần nghiên cứu xem nếu ban hành luật sẽ ngốn nhiều ngân sách của nhà nước, địa phương trong thời gian sắp tới hay không.
Khẳng định, việc bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là rất quan trọng, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của quân và dân. Vì vậy, lực lượng này ra đời không thể một mình bảo đảm được.
“Việc cơ cấu 1,5 triệu người tham gia lực lượng này có vẻ như đang áp dụng trong tình trạng khẩn cấp thời chiến, gấp nhiều lần quân thường trực, có cần thiết hay không?”, ông Nhưỡng đặt vấn đề.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng |
Ông Nhưỡng nhắc đến câu chuyện tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy của lực lượng CAND khi chuyển 25.000 quân chính quy về xã. Theo dự thảo luật này, có thêm lực lượng phối hợp nhưng hầu hết thực hiện nhiệm vụ của công an xã chính quy.
“Lực lượng này nếu ra đời thì lực lượng công an xã sẽ lười biếng. Công việc dồn hết cho lực lượng này”, ĐB Nhưỡng dự đoán.
Ông cho rằng, như vậy đã phình ở cơ sở rồi nay lại tiếp tục phình, “phình cả động mạch và tĩnh mạch, rất khó thuyết phục".
Ngoài việc lo lắng đến gánh nặng ngân sách, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng đề cập đến phát sinh các vấn đề mặt chính trị, kinh tế, xã hội thì "ai chịu trách nhiệm".
ĐB Nhưỡng đề nghị Chính phủ nghiên cứu toàn diện, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh. “Luật mà không phúc đáp được yêu cầu của nhân dân thì dứt khoát không thể ban hành. Đưa luật ra đời cuối cùng không đi vào thực tiễn bật quay trở lại, có nghĩa là Quốc hội có lỗi với nhân dân”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
Cánh tay nối dài của công an xã chính quy
Ở chiều ngược lại, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên thường trực UB Quốc phòng An ninh bày tỏ cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra và cũng thấy sự cần thiết ban hành luật này.
Theo ĐB Xuân, chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt ngành công an là tăng cường cơ sở, thực hiện 4 tại chỗ, mọi vấn đề cần phải được giải quyết từ cơ sở cho nên việc tăng cường lực lượng cho cơ sở là hết sức cần thiết.
ĐB Nguyễn Thị Xuân |
Nữ Thiếu tướng cũng cho rằng 3 lực lượng này đã hình thành từ lâu, đã và đang hoạt động ở cơ sở, ở trong dân, nên cần thiết tạo một khung pháp lý cho lực lượng này yên tâm, vững tâm hơn trong công tác.
“Phải khẳng định đây là lực lượng không chuyên trách, là lực lượng mang tính tự nguyện ở thôn xóm, tổ dân phố, bản làng, buôn sóc. Ở địa phương chính lực lượng này là xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, làm nòng cốt trong các nhân tố địa bàn cơ sở, trong dân.
Lực lượng này ở cùng dân, ăn cùng dân, sinh hoạt cùng dân, mọi vấn đề đều được giải quyết trong dân, bám sát khá tốt. Là cánh tay nối dài của công an xã”, nữ ĐB ngành công an phân tích.
ĐB Xuân cho rằng, lực lượng công an xã chính quy bố trí 3-5 công an mỗi xã là quá mỏng, không thể giải quyết được các địa bàn thôn xóm, xã, phường. Còn lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở không chuyên trách thì họ có mưu sinh khác, thời gian dành cho công việc không nhiều.
Hơn nữa, việc gom 3 lực lượng này không làm phát sinh thêm lực lượng mới, không làm thay đổi nhiệm vụ công an chính quy.
PGĐ Công an Hà Nội, Thiếu tướng Đào Thanh Hải nêu thực tế tại thủ đô với 383 xã, TP đã bố trí hơn 2.500 cán bộ chiến sĩ từ các quận xuống, không tăng thêm biên chế, bước đầu phát huy được hiệu quả.
Qua thống kê, phạm pháp hình sự năm 2020 giảm 20,6%, chủ yếu tội phạm giảm ở các huyện ngoại thành, đã tạo lòng tin nhân dân, đáp ứng được nhiệm vụ tình hình đặt ra.
ĐB Đào Thanh Hải |
Tuy nhiên theo ĐB Hà Nội, trong thực tế, việc bố trí công an chính quy xuống xã bộc lộ một số hạn chế, do không được phép bố chí là người địa phương nên cán bộ công an xã chính quy chưa nắm được tình hình địa bàn, đời sống dân cư... Trong khi đó công an bán chuyên trách do sinh ra địa bàn nên có điều kiện thuận lợi.
Công an xã chính quy tuy đã nắm được địa bàn nhưng lực lượng còn mỏng. PGĐ Công an TP lấy ví dụ xã Yến Xuân (Thạch Thất) diện tích gần 40km2 tương đương 4 quận nội thành nhưng chỉ có 5 cán bộ công an xã, chia làm 2 ca, khi tuần tra kiểm soát vô cùng vất vả, không đủ sức.
"Lực lượng công an bán chuyên trách đang hưởng phụ cấp thấp (khoảng 1 triệu đồng), sau khi công an chính quy xuống xã thì đã có 25% lực lượng này xin nghỉ. Do vậy nếu không có luật đảm bảo an ninh trật tự cơ sở ra đời thì sẽ rất khó khăn cho lực lượng này để tiếp tục. Ở cơ sở vô cùng mong mỏi sớm có luật để động viên lực lượng này tham gia cùng chúng tôi bảo đảm ANTT ở cơ sở...", ông Hải nêu.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang) bày tỏ không có ý định phát biểu, nhưng “dù sao mình cũng là dân cử bầu ra nên có kiến”. ĐB nhắc đến niềm tin của hệ thống chính trị từ T.Ư xuống cơ sở và nhấn mạnh “chúng ta phải tin tưởng nhân dân và thực sự vì nhân dân”.
ĐB Sùng Thị Cò |
“Không có việc gì mà dân không nắm được, dân không biết. Chúng ta không biết tại vì chúng ta không tốt, chúng ta không làm tốt công tác dân vận, không làm tốt công tác nắm tình hình”, ĐB Sùng Thìn Cò nhấn mạnh.
Theo tướng Sùng Thìn Cò, việc dân không hiểu pháp luật, không phân biệt được trái, phải, cộng với đó là các thế lực thù địch nên gây nên tình hình phức tạp. Vì vậy có cần thêm một lực lượng không?
“Xin lỗi đồng chí Bộ trưởng, lực lượng công an quá đông các đồng chí ạ. Bây giờ 1 tỉnh, ít nhất có 3.000, tỉnh to thì 4.000, hơn 4.000 công an chính quy. Mà bây giờ thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình”, ĐB tỉnh Hà Giang băn khoăn.
Ông phân tích: "Cái tài của chiến sỹ công an là phải xây được mạng lưới cơ sở bí mật để nắm tình hình ngay trứng nước, không để phát sinh, bùng nổ".
Tướng Sùng Thìn Cò cũng thắc mắc, nếu xác định đây là lực lượng quan trọng thì tại sao không sử dụng ngay từ đầu để lực lượng này đủ sức làm nhiệm vụ mà lại đưa công an chính quy xuống, bây giờ lại thêm lực lượng nữa.
“Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải cân nhắc, trước khi ĐBQH bấm nút thay cử tri của mình, thay mặt dân”, ĐB Sùng Thìn Cò nói.
Thu Hằng - Thành Nam
Bộ trưởng Tô Lâm: Luật mới để cụ thể, không chia quyền
Chiều nay (16/11), Quốc hội thảo luận dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.