Tại dự thảo lần 4 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, có nhiều điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Trong đó, nổi bật là quy định mới như: Trẻ em dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước xe ô tô; xe đưa đón học sinh phải có thiết bị cảnh báo hoặc màu sơn riêng; CSGT kiểm tra giấy tờ xe qua VNeID; lái xe kinh doanh vận tải không làm việc quá 8 giờ trong 1 ngày.
Trẻ em dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước ô tô
Khoản 3, Điều 9 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông có quy định: "Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi không được ngồi cùng hàng ghế của lái xe khi tham gia giao thông đường bộ".
Đồng thời, trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô (trừ xe kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật).
Đây được cho là điều khoản mới nhằm bảo vệ trẻ em và hướng tới tiếp cận văn hoá giao thông của các nước phát triển, đề cao bảo vệ tính mạng con người.
Ô tô đưa đón học sinh phải có thiết bị cảnh báo hoặc màu sơn riêng
Điều 46 của Dự thảo Luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh có 5 khoản. Trong đó, tại điểm a, khoản 1 nêu rõ: "Bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện".
Ô tô đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe bảo đảm có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.
Ngoài ra, Điều 46 cũng quy định cơ sở giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh.
CSGT kiểm tra giấy tờ xe được tích hợp vào VNeID
Theo Điều 49 của dự thảo Luật, người tham gia giao thông phải mang các giấy tờ như: Giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự... Trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử (VNeID) thì người lái xe không phải mang theo.
Như vậy, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra giấy tờ của phương tiện và người lái thông qua tài khoản định danh điện tử.
Lái xe kinh doanh vận tải không làm việc quá 8 giờ trong ngày
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định người lái xe kinh doanh vận tải không lái xe quá 8 giờ trong một ngày.
Tại khung giờ từ 6h-22h, thời gian lái xe liên tục không quá 4 giờ, dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu 5 phút đối với tài xế taxi, xe buýt và 15 phút đối với tài xế xe vận tải.
Trong khung giờ từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau, tài xế không được lái xe liên tục quá 3 giờ, dừng nghỉ giữa 2 lần lái xe tối thiểu 30 phút đối với tài xế xe vận tải.
Đề xuất này được điều chỉnh so với Điều 65 Luật Giao thông đường bộ hiện hành khi thời gian làm việc của lái xe kinh doanh vận tải không được quá 10 giờ trong một ngày, không lái xe liên tục quá 4 giờ, không phân biệt ngày hay đêm.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên - Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an xây dựng dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông trên định hướng, hướng tới một nền giao thông văn minh. Theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, việc xây dựng dự án Luật để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tuần tra, kiểm soát; trong chỉ huy giao thông; trong xử lý tai nạn giao thông và chống ùn tắc cũng như phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông. Lấy ví dụ, Thiếu tướng Nguyên cho rằng, Luật sẽ mở ra tương lai để áp dụng các công nghệ cao vào công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hướng tới nền giao thông hiện đại. Dự thảo Luật thống nhất "1 việc do 1 người quản lý". Quản lý Nhà nước về hạ tầng sẽ do Bộ GTVT chịu trách nhiệm, còn về xây dựng lực lượng, quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông sẽ do Bộ Công an chịu trách nhiệm. "Đặc biệt, dự thảo Luật sẽ gắn trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông vào từng cơ quan", Thiếu tá Phạm Công Nguyên khẳng định. |