Theo nhà phân tích Noah Smith, các "lệnh trừng phạt lớn" cho đến nay ám chỉ đến quyết định loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT và lệnh giới hạn khả năng của Ngân hàng Trung ương Nga trong việc thực hiện giao dịch với các ngân hàng phương Tây. Những biện pháp này được coi là lớn vì chúng chưa từng có tiền lệ và được tin sẽ có tác động quy mô "khủng", theo hệ thống đến nền kinh tế Nga.
Điều quan trọng là, dù nhiều quốc gia đang cân nhắc việc ngừng kinh doanh dầu mỏ và khí đốt của Nga, nhưng các biện pháp trừng phạt cho đến nay chủ yếu nhắm vào hệ thống tài chính của xứ sở bạch dương, chẳng hạn như khiến các ngân hàng nước này khó có thể vay vốn, cho vay, xử lý thanh toán, tiếp cận ngoại tệ...
Các lệnh trừng phạt như trên có vẻ đang phát huy tác dụng. Trong một bài viết mới đây trên trang cá nhân, Maxim Mironov, nhà kinh tế học người Nga đang làm việc tại trường Kinh doanh IE ở Madrid, Tây Ban Nha tổng kết rằng "nền kinh tế Nga đang bị chà đạp và thậm chí còn bị chà đạp gấp đôi khi hầu hết người dân trong nước không biết những gì sẽ đến tiếp theo".
Để thấy rõ hơn ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt lớn, ông Smith đã xem xét hai lĩnh vực quan trọng nhất mà Nga sẽ "cảm thấy cơn đau", gồm cuộc sống của người tiêu dùng và sản xuất quốc phòng.
Hàng hóa tiêu dùng
Một lượng lớn các công ty quốc tế đã rút khỏi Nga hoặc cắt giảm doanh số bán hàng tại đây. Visa, Mastercard và các công ty tài chính tiêu dùng khác cũng đã rút lui, khiến người tiêu dùng Nga khó thanh toán khi mua bán. Nga đang cố gắng thay thế những loại thẻ này bằng thẻ của Trung Quốc, nhưng chưa rõ chúng sẽ hoạt động tốt đến mức nào.
Về lí do hàng loạt thương hiệu rút khỏi Nga, giới phân tích cho rằng, các công ty chủ quản có thể muốn chứng tỏ họ phản đối chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, tránh phản ứng tiêu cực của người tiêu dùng phương Tây và có thể vì cả sức ép của các chính phủ phương Tây. Tuy nhiên, lí do đơn giản nhất là họ không muốn mạo hiểm khi các khách hàng Nga không thể thanh toán cho những hàng hóa này, trong bối cảnh đồng nội tệ giảm giá và các ngân hàng trong nước không thể thực hiện giao dịch với phương Tây.
Người dân Nga đổ xô đi mua hàng IKEA trước khi công ty tạm ngưng hoạt động tại nước này. Ảnh: Twitter |
Tạm thời, tất cả những điều đó đang gây khó khăn cho người Nga khi mua các mặt hàng nhập khẩu quen thuộc. Một ví dụ điển hình là cảnh đông đảo người Nga cuống cuồng đi mua hàng của Ikea trước khi thương hiệu này tạm dừng hoạt động tại đây. Hiện tượng phổ biến đến nỗi nhà chức trách hiện cho phép các nhà bán lẻ triển khai quy định giới hạn số lượng hàng hóa cơ bản mỗi cá nhân được mua để tránh tình trạng tích trữ. Sáng kiến đã nhận được sự ủng hộ của Bộ Thương mại và Công nghiệp Nga.
Người Nga dự kiến cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi mua thuốc, vì đây là một trong những mặt hàng nhập khẩu chính từ châu Âu của nước này.
Đây chỉ là một vài ví dụ về cuộc sống sắp trở nên trắc trở hơn đối với dân thường Nga. Đáng chú ý, Nga không phải là một quốc gia nghèo đói. GDP bình quân đầu người (PPP) đạt khoảng 27.000 USD vào năm 2019, khiến nước này có thể nghèo hơn đôi chút so với một quốc gia giàu có ở Tây Âu, nhưng giàu hơn nhiều so với Ukraine.
Tăng trưởng GDP của Nga so với Pháp và Ukraine giai đoạn 2015 - 2019. Đồ họa: Our World I Data |
Trong 15 năm qua, người Nga đã quen với cuộc sống thoải mái, trong một xã hội tiêu dùng gần như phát triển, hội nhập kinh tế sâu rộng với châu Âu. Theo trang Noahpinion, hiện các đòn trừng phạt của phương Tây đang khiến người Nga đối mặt với việc quay trở lại sự cô lập, thiếu hụt và khó khăn về kinh tế của những năm 1990, gần như chỉ sau một đêm.
Công nghiệp quốc phòng
Đồng Rúp yếu cùng với việc các ngân hàng bị cắt giảm khỏi các hệ thống thanh toán toàn cầu khiến Nga khó mua các linh kiện và máy móc nhập khẩu phục vụ sản xuất quốc phòng hơn. Ví dụ, các vũ khí dẫn đường chính xác, đồ điện tử lắp đặt trên các phương tiện giao thông và thiết bị liên lạc đều cần vi xử lý (chất bán dẫn) để hoạt động. Trước chiến tranh đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung vi xử lý trên toàn cầu và giờ đây đã có những dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất Nga đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận chúng.
Dmitri Alperovitch, một giám đốc ngành công nghiệp bảo mật máy tính người Mỹ gốc Nga đã chỉ ra, lệnh kiểm soát xuất khẩu của Washington không chỉ tác động đến các công ty Mỹ, mà còn khiến những hãng sản xuất vi xử lý khác ở châu Âu, hay Samsung của Hàn Quốc và TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) dừng bán hàng cho Nga. Trong khi các công ty Nga phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn cung này.
Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt tài chính gây khó khăn cho cả chính quyền và các công ty quốc phòng trong việc trả lương cho nhân viên. Lí do vì các công ty, kể cả doanh nghiệp quốc doanh thường dựa vào rất nhiều khoản vay qua đêm để trả lương và thực hiện các thanh toán khác.
Tất cả đồng nghĩa, những khí tài của quân đội Nga đã bị phía Ukraine phá hủy sẽ không dễ dàng được thay thế. Dựa vào các nguồn tin được kiểm chứng cẩn thận, chuyên trang theo dõi quân sự Oryx thống kê, quân đội Nga đã mất 845 phương tiện, bao gồm cả 130 xe tăng, trong 11 ngày đầu tiên của chiến dịch tấn công nước láng giềng. Con số thực có thể cao hơn đáng kể, do nhiều tổn thất không có xác nhận trực quan rõ ràng.
Hiện có thông tin quân đội Nga đã bắt đầu bổ sung các phương tiện quân sự của họ bằng những chiếc xe bán tải cũ thông thường. Với việc ngành công nghiệp quốc phòng Nga bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt, quân đội Nga có nguy cơ bị suy yếu nghiêm trọng trong một thập kỷ hoặc hơn.
"Phao cứu sinh" của Nga
Theo nhà phân tích Smith, hiện vẫn có một thứ đang là "phao cứu sinh" cho nền kinh tế Nga là dầu mỏ, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước này. Giá dầu tăng vọt kể từ khi chiến sự nổ ra đã giúp người Nga kiếm bộn tiền. Mặt hàng chủ lực này có thể giúp giảm thiểu đáng kể sự tàn phá của các biện pháp trừng phạt lớn kể trên. Đây là lí do tại sao một số nhà lãnh đạo phương Tây đang thảo luận về một lệnh cấm đối với dầu mỏ Nga.
Ông Smith lưu ý, Nga luôn có thể bán dầu mỏ cho Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc về cơ bản là khách hàng duy nhất của Nga, họ có thể khai thác vị thế này để mặc cả và có được giá hời khi mua "vàng đen" của Nga, tương tự như họ từng làm với mặt hàng khí đốt.
Giá khí đốt xuất khẩu sang Trung Quốc của Nga thông qua đường ống Sức mạnh Siberia giai đoạn 2020 - 2021. Đồ họa: Twitter |
Vì vậy, dù các lệnh trừng phạt tài chính đang cản trở hoạt động của nền kinh tế Nga, nhưng các đòn trừng phạt nhắm vào dầu mỏ của Nga có thể gây ảnh hưởng lớn hơn và tàn phá nền kinh tế nhiều hơn. Trong bất kỳ tình huống nào, các biện pháp trừng phạt quốc tế như vậy đều tác động tiêu cực đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại xứ sở bạch dương.
Tuấn Anh
>>> Cập nhật tình hình Ukraine hôm nay
EU siết chặt trừng phạt Nga, mua vũ khí cho Ukraine
Liên minh châu Âu (EU) sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga, giáng đòn trả đũa Belarus và xuất quỹ mua vũ khí cho Ukraine nhằm giúp nước này tự vệ trước cuộc tấn công của Nga.