Theo Volkswagen, tình trạng khan hiếm chip còn diễn ra trong nửa đầu năm 2021. Các nhà sản xuất xe hơi và smartphone đều cảm thấy sức ép từ thiếu hụt chip trong bối cảnh nhu cầu laptop, máy chơi game, TV… tăng đột biến do phong tỏa Covid-19. Chẳng hạn, doanh số máy tính vượt 302 triệu thiết bị trong năm 2020, cao nhất từ năm 2014 và tăng 13% so với năm 2019, theo số liệu của IDC.
Áp lực càng lớn hơn khi các lĩnh vực khác như xe hơi cũng ghi nhận sức bật. Bán dẫn quan trọng với nhiều tính năng trên xe, từ hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) đến tay lái trợ lực.
Thêm vào đó, lệnh cấm vận các nhà sản xuất chip Trung Quốc như SMIC từ thời Tổng thống Donald Trump càng khiến cho tình hình trở nên trầm trọng hơn. Nó buộc Huawei và ZTE phải tích trữ chip cho tương lai.
Tất cả các yếu tố kể trên khiến nguồn cung ngày càng căng thẳng. Đặc biệt, nó xuất hiện trong thời điểm không hề lý tưởng đối với các hãng di động. Theo nhà sản xuất chip TSMC, smartphone 5G cần nhiều chip hơn smartphone 4G từ 30 đến 40%. Hồi tháng 10/2020, CEO Apple Tim Cook cũng lưu ý chuỗi cung ứng bán dẫn là vấn đề lớn.
“Giỏ hàng” bán dẫn của Apple rất đa dạng, từ chip quản lý điện năng của Texas Instruments cho hệ thống máy ảnh iPhone 12 Pro tới chip quản lý điện năng của STMicroelectronics và Qualcomm cho modem 5G.
Sony cho biết khan hiếm chip làm ảnh hưởng đến sản lượng máy chơi game PlayStation 5. Trong khi đó, Volkswagen sẽ sản xuất ít hơn 100.000 xe trong ba tháng đầu năm 2021 vì thiếu chip. General Motors phải đóng cửa ba nhà máy lớn và giảm sản lượng tại các nhà máy khác, ít nhất cho tới giữa tháng 3.
CEO General Motors Mary Barra gọi đây là vấn đề của cả ngành. Ford, Honda, Fiat, Chrysler… cũng không phải ngoại lệ. Theo hãng tư vấn AlixPartners, các hãng xe sẽ mất 60,6 tỷ USD doanh thu toàn cầu năm nay do không thể sản xuất xe.
Gần đây, Volkswagen đã lên tiếng phản đối các nhà cung ứng. Hãng xe thông báo với họ về nhu cầu ô tô sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2020 song đến cuối tháng 11, các nhà cung ứng mới chia sẻ về tình trạng thiếu chip. Trước đây, Volkswagen thu mua từ các nhà cung ứng cấp một lớn như Continental, Robert Bosch song hiện tại đang cân nhắc mua trực tiếp từ nhà sản xuất.
Trận chiến trên thị trường chip cũng có sự tham gia của các chính trị gia. Tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier viết thư cho người đồng cấp Đài Loan Wang Mei Hua, đều nghị bà có lời để TSMC ưu tiên các nhà sản xuất xe hơi Đức. Nhà Trắng đang chuẩn bị sắc lệnh hành pháp dựa trên “xác định điểm nghẽn tiềm năng trong chuỗi cung ứng” nhưng không nêu chi tiết.
Về trung hạn, tình trạng khan hiếm chip sẽ khuyến khích mỗi quốc gia thúc đẩy nhà máy sản xuất bán dẫn trong bối cảnh bùng nổ “chủ nghĩa dân tộc chip” mới. Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật CHIPS để tài trợ cho sản xuất bán dẫn trong nước. CEO Intel, Qualcomm, GlobalFoundries đều viết thư lên Tổng thống Joe Biden bày tỏ báo động về thị phần giảm sút trên thị trường sản xuất chip thế giới của Mỹ.
Tại Trung Quốc, chính phủ nhận thức lỗ hổng khi Mỹ “bóp” nguồn cung chip. Bắc Kinh đang hỗ trợ tổ chức mới được thành lập với mục tiêu giúp Trung Quốc bắt kịp các nước láng giềng.
Tại thời điểm hiện tại, tình trạng khan hiếm chưa có dấu hiệu kết thúc và sẽ kéo dài ít nhất tới giữa năm nay.
Du Lam (Theo Lightreading)
Công ty chip lớn nhất Trung Quốc lao đao vì Mỹ
Huawei không phải là đối tượng duy nhất gặp khó khăn do lệnh cấm vận của Mỹ. Đối tác gia công chip của họ cũng rơi vào tình cảnh tương tự.