Cách đi du lịch vừa tiết kiệm tiền, vừa hiệu quả
Theo travel blogger Phạm Quang Tuân (Tuân Cuồng Chân), để có một chuyến du lịch thông minh, tiết kiệm, mọi người cần lưu ý đến 3 điểm.
Phương tiện:
Nếu bạn chọn di chuyển bằng máy bay thì nên đặt vé sớm vì đặt vé càng sát ngày giá càng cao. Hoặc bạn có thể chọn các phương tiện khác như ô tô (phù hợp với chuyến đi gia đình) và xe máy (phù hợp với giới trẻ).
Tuy nhiên, khi di chuyển bằng 2 phương tiện này có thể gặp tình trạng tắc đường. Chính vì thế, bạn hãy chọn những cung đường có tính linh động để tránh kẹt xe. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng tàu hỏa để phục vụ cho những chuyến đi gần, đây cũng là một loại phương tiện vừa tiết kiệm chi phí, vừa không kẹt xe, không mệt mỏi khi lái xe.
Điểm đến:
Bạn nên chọn những địa điểm, thành phố lớn phát triển về du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang vì ở đó có nhiều dịch vụ lưu trú, ăn uống, khu vui chơi nên chi phí sẽ ổn định, không bị tăng quá cao. Trong trường hợp, bạn chọn những thành phố vẫn phát triển về du lịch nhưng không thuộc thành phố lớn thì có thể gặp tình trạng khan hiếm phòng vào các dịp lễ, tết dẫn đến tình trạng giá dịch vụ tăng cao.
Nếu bạn chọn đi du lịch trải nghiệm như trekking thì hãy mua tour để nhà cung cấp dịch vụ tính toán, dự trù trước mức ngân sách mà bạn cần chi trả là bao nhiêu. Nếu bạn yêu sự trải nghiệm cũng có thể đi cắm trại (camping) nhưng nên chọn những địa điểm an toàn.
Ăn và ở:
Bạn có thể chọn nơi ở xa trung tâm và thuê xe tự di chuyển. Làm như thế, bạn vừa tiện đi lại vừa tiết kiệm tiền khách sạn. Trong trường hợp đi đông người, bạn hãy thuê dạng homestay có đầy đủ phòng khách, phòng bếp để tiện đi chợ mua đồ về nấu ăn. Khi đó, bạn vẫn được ăn những món ngon mình thích mà giá "hạt dẻ" hơn nhiều.
Tại một số thành phố sẽ có những khu chợ địa phương, ở đó có nhiều đồ đặc sản giá rẻ, bạn có thể vào đó thưởng thức các món đặc sản với giá không quá đắt đỏ như những quán nổi tiếng.
Nên chuẩn bị gì trước khi đi du lịch?
Trước khi đi du lịch, travel blogger Phạm Quang Tuân khuyên, mọi người nên đặt trước vé máy bay, phòng khách sạn vì càng đặt sớm giá vé càng rẻ. Về khung lịch trình du lịch, bạn cũng cần chuẩn bị trước, nếu trong quá trình đi có phát sinh thì linh động điều chỉnh. Chi phí cho chuyến đi sẽ được tính theo số ngày, kiểu đi du lịch bạn mong muốn.
Bạn có thể tính trung bình cho các ngày như sau: Tiền ăn uống cho 2 bữa phụ khoảng 100.000 đồng/bữa/người, 1 bữa chính 300.000 đồng/bữa/người; Tiền khách sạn khoảng 300.000 đồng/người; Tiền đi lại từ 100.000 đồng/người; Tiền phát sinh 100.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, số tiền trên chỉ là mức tham khảo, bạn có thể thay đổi, xê dịch cho phù hợp với chuyến đi.
Ngoài chuẩn bị một số tiền mặt nhất định cho chuyến đi, bạn đừng quên mang theo các giấy tờ cá nhân như hộ chiếu, bằng lái xe, bên cạnh chứng minh thư hay căn cước công dân. Giả sử, nếu bạn bị thất lạc một trong những giấy tờ đó thì có thể dùng cái còn lại. Đồng thời, bạn cũng không nên để chung tất cả các loại giấy tờ đó vào một chỗ mà hãy chia ra thành nhiều nơi để không bị mất 1 lần cả 3 loại giấy tờ.
Còn travel blogger Lê Viết Vinh (Vinh Gấu) cho rằng, nếu bạn muốn đi du lịch vào những dịp lễ lớn với số ngày nghỉ nhiều thì hãy chuẩn bị mọi thứ trước một tháng nhằm hạn chế rủi ro và chi phí tăng lên ngoài dự kiến. Trong đó, 2 thứ mà bạn cần đặt trước là vé máy bay hoặc vé tàu, phòng nghỉ.
Tùy thuộc vào địa điểm và những trải nghiệm bạn muốn tham gia mà quyết định mang nhiều hay ít tiền. Trong đó, số tiền mặt bạn mang theo chỉ khoảng 50% trên tổng số tiền dự kiến, số còn lại hãy dùng các hình thức thanh toán khác như chuyển khoản, quẹt thẻ, dùng mã QR code.
Tuy nhiên, nếu địa điểm bạn đến thuộc vùng sâu vùng xa, những nơi chưa có nhiều tiện ích thì bạn hãy mang nhiều hơn số tiền dự kiến khoảng 20% để phòng rủi ro. Ngoài tiền ra, hãy luôn mang theo các giấy tờ tùy thân, bằng lái xe, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, pin dự phòng và bảo hiểm du lịch...
Lỗi mất tiền thường gặp khi đi du lịch
Theo travel blogger Lê Viết Vinh, để tránh lỗi mất tiền ngớ ngẩn khi đi du lịch, mọi người nên đọc kỹ hướng dẫn khi mua tour hay dịch vụ qua các ứng dụng OTAs (Online Travel Agencies).
Thứ hai, bạn hãy kiểm tra kỹ hành trình bay khi đặt vé và thông tin đặt phòng khách sạn để tránh việc bị mất tiền vì đặt nhầm hành trình (chiều đi và chiều về) hay nhầm ngày check-in khách sạn. Thứ ba, bạn cần kiểm tra giá mọi mặt hàng trước khi quyết định mua gì, ăn gì vì khả năng cao giá cả sẽ tăng cao vào những ngày lễ.
Còn travel blogger Phạm Quang Tuân cho rằng lỗi mất tiền ngớ ngẩn thứ nhất khi đi du lịch là mọi người không hỏi giá khi sử dụng dịch vụ. Lỗi thứ hai là bạn không đặt phòng, vé máy bay từ trước mà đến cận ngày mới đặt dẫn đến bị ép giá khi không có nhiều lựa chọn. Bạn buộc phải đặt với giá cao hoặc rơi vào tình huống hết vé, cháy phòng.
Do đó, để có một chuyến du lịch giá "hạt dẻ" nhưng vẫn đáp ứng đủ những tiêu chí, yêu cầu thì bạn phải chuẩn bị mọi thứ thật kỹ lưỡng.
(Theo Dân Trí)