Việc phát âm thông báo tuyên truyền về bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ kéo dài đến hết ngày diễn ra cuộc bầu cử (ngày 23/5/2021-pv) và tạm thay thế cho âm thông báo tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.
File âm thanh tuyên truyền thông báo tuyên truyền về bầu cử trước đó đã được Cục Viễn thông, Bộ TT&TT gửi tới 7 doanh nghiệp viễn thông di động gồm Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gmobile, I-Telecom và Reddi.
Trong 3 ngày 21, 22 và 23/5, các nhà mạng sẽ phát âm thông báo tuyên truyền về bầu cử (Ảnh minh họa: Internet) |
Hiện việc phát âm thông báo tuyên truyền về bầu cử đều đã được các nhà mạng triển khai tới tất cả thuê bao trên mạng lưới. Trong thời gian từ nay đến hết ngày 23/5, mỗi khi bắt đầu một cuộc gọi, trước khi người nhận bắt máy, các thuê bao di động đều nghe được thông báo của Hội đồng bầu cử quốc gia đề nghị cử tri cả nước đi bầu cử.
Cũng từ hôm nay, ngày 21/5, các doanh nghiệp viễn thông di động bắt đầu thực hiện đợt nhắn tin tuyên truyền bầu cử thứ hai, với tiêu đề “HĐBCQG” và nội dung tin nhắn “Hội đồng bầu cử quốc gia đề nghị cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào ngày 23-5-2021!”.
Tin nhắn với nội dung trên sẽ tiếp tục được các nhà mạng gửi tới thuê bao di động toàn quốc trong các ngày 22, 23/5/2021.
Trong đợt nhắn tin tuyên truyền bầu cử đầu tiên, 3 nhà mạng lớn VinaPhone, Viettel và MobiFone đã gửi 1,8 tỷ bản tin (Ảnh: Minh Sơn) |
Trong đợt nhắn tin tuyên truyền về bầu cử diễn ra vào các ngày 14, 15, 18 và 20/5/2021, tin nhắn có nội dung “Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026!” đã được các nhà mạng gửi tới thuê bao trên toàn mạng lưới.
Theo thống kê, tổng số tin nhắn tuyên truyền về bầu cử đã được 3 nhà mạng lớn VNPT/VinaPhone, Viettel, MobiFone gửi các thuê bao di động trên toàn quốc trong đợt 1 là khoảng 1,8 tỷ bản tin, bao gồm tin nhắn đã quy đổi.
Trong công điện 633 của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/5 về việc tập trung tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Bộ TT&TT đã được yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh các thông điệp truyền thông, vận động cử tri đi bầu cử bằng nhiều phương tiện, phương thức, như: mạng xã hội trong nước, mạng viễn thông (tin nhắn SMS, nhạc chờ); và qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan, thông tấn, báo chí tăng cường thông tin chuẩn xác, sáng tạo, sinh động để cử tri cả nước hiểu rõ, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong ngày bầu cử.
Đồng thời, giám sát, kiểm soát tốt an toàn thông tin và chỉ đạo phản bác, ngăn chặn, xử lý kịp thời các thông tin xuyên tạc, quan điểm sai trái trên không gian mạng về cuộc bầu cử, cũng là nhiệm vụ Bộ TT&TT được chỉ đạo cần tập trung.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian gần ngày bầu cử là thời gian gấp rút, quyết định thành công của cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử ở cơ sở còn hạn chế và gặp khó khăn tại một số địa bàn miền núi, vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Các thế lực thù địch, phản động gia tăng các hoạt động chống phá tại thời điểm sát ngày bầu cử.
Vân Anh
Vận động cử tri đi bầu cử qua mạng xã hội trong nước, hệ thống loa truyền thanh
Bộ TT&TT vừa được yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh các thông điệp truyền thông, vận động cử tri đi bầu cử bằng nhiều phương tiện, phương thức, như: mạng xã hội trong nước, mạng viễn thông (tin nhắn SMS, nhạc chờ); hệ thống loa truyền thanh cơ sở.