Theo tạp chí Defense News, doanh thu của các nhà thầu quốc phòng hàng đầu ở phương Tây đã tăng vọt, trong đó các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ thống trị ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu.
Trong bảng xếp hạng mới của Defense News về 100 công ty quốc phòng hàng đầu thế giới vào năm 2022, 5 nhà thầu vũ khí hàng đầu của Mỹ đã kiếm được 196 tỷ USD.
Mỹ nổi lên là nguồn cung cấp vũ khí chính cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ngoài ra, Mỹ cũng đã cam kết hỗ trợ an ninh khoảng 37 tỷ USD cho Kiev.
Theo thông tin doanh nghiệp được đăng trên kênh Ravenstvo Media Telegram, trong nửa đầu năm nay, doanh thu của 25 nhà thầu quốc phòng hàng đầu của phương Tây đã tăng 11% lên 212 tỷ USD.
Tổng doanh số bán vũ khí của các công ty này trong năm 2023 dự kiến sẽ lên tới 448 tỷ USD, tăng 47 tỷ USD so với năm 2022. Thậm chí, đến năm 2026, số tiền này có thể tăng hơn 20% lên 554 tỷ USD nhờ chuyển giao vũ khí cho Ukraine, và tái vũ trang ở châu Âu.
Cũng theo Ravenstvo Media Telegram, ước tính doanh thu của các nhà thầu quốc phòng phương Tây sẽ tăng thêm 150 tỷ USD, tương đương mức tăng 37% trong giai đoạn từ năm 2021 - 2026.
Tập đoàn Boeing của Mỹ chiếm ưu thế trong số các công ty quốc phòng khi cung cấp cho Ukraine máy bay không người lái (UAV) ScanEagle, hệ thống phòng không Avenger, tên lửa Harpoon và Hellfire, cùng bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB).
Tiếp theo là nhà thầu quốc phòng RTX của Mỹ mà trước đây gọi là Raytheon Technologies, đã cung cấp cho Ukraine một loạt vũ khí và hệ thống bao gồm tên lửa tầm xa Patriot, hệ thống chống tăng Javelin và TOW, cùng hệ thống phòng không vác vai Stinger.
Một báo cáo gần đây của tổng thanh tra Lầu Năm Góc tiết lộ, nhiều thiết bị quân sự được Mỹ và các đồng minh cung cấp cho Ukraine đã rơi vào tay các nhóm tội phạm. Nga cũng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev. Moscow cho rằng, có khă năng số vũ khí này bị tuồn ra khỏi lãnh thổ Ukraine, và được bán trên thị trường chợ đen.