Sở hữu một chiếc áo khoác Burberry hay một chiếc xe hơi điện Tesla có lẽ là giấc mơ đối với nhiều người, nhưng các nhãn hiệu sang trọng đẳng cấp thế giới hiện đang mang đến cho các game thủ trẻ tuổi tại Trung Quốc cơ hội được trải nghiệm lối sống xa hoa trong thế giới ảo mà họ đắm chìm mỗi ngày.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, nhãn hiệu thời trang Anh Quốc Burberry hôm thứ hai vừa qua đã công bố hai skin - trang phục mặc bởi các nhân vật trong game - thiết kế độc quyền cho Yao, một nữ anh hùng phổ biến trong bom tấn Honor of Kings của Tencent Holdings. Các skin này, vốn được tạo ra bởi giám đốc sáng tạo của Burberry là Riccardo Tisci, sẽ được bán ra rộng rãi cho mọi game thủ đến từ Trung Hoa Đại lục, dù rằng mức giá của món đồ này vẫn chưa được công bố.
"Bằng cách cho phép các khách hàng Trung Quốc của chúng tôi được khám phá các sản phẩm ảo trong game trực tuyến, chúng tôi có thể kết nối với các cộng đồng khách hàng theo một cách thực sự để lại ấn tượng với họ" - theo lời Josie Zhang, chủ tịch Burberry Trung Quốc.
Các nhãn hiệu sang trọng đang mượn game điện tử để tiếp cận nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi. Năm ngoái, nhãn thời trang Pháp Louis Vuitton đã tung ra một bộ sưu tập quần áo và túi xách với chủ đề Liên minh Huyền thoại. Vẫn ở phân khúc hạng sang nhưng ít nổi tiếng hơn, nhãn hiệu thời trang trẻ Trung Quốc CLOT cũng cộng tác với tựa game FPS CrossFire của Tencent để tung ra nhiều thiết kế áo thun, trong khi Nike từ năm 2019 đã là nhà tài trợ cho giải đấu League of Legends Pro League - giải đấu esports lớn nhất Trung Quốc.
Các nhãn hiệu xe hơi lại càng mạnh tay hơn trong việc mượn game để quảng bá sản phẩm tại Trung Quốc, nơi được xem là thị trường game lớn nhất thế giới, nhà của 665 triệu game thủ - theo thống kê của Hiệp hội Xuất bản Âm thanh - Video và Nội dung số Trung Quốc.
Trước khi hợp tác với Burberry, Honor of Kings từng giới thiệu một skin được thiết kế bởi BMW (Đức). Mùa hè năm ngoái, nhà sản xuất xe hơi Anh Quốc là Rolls-Royce, một công ty con của BMW, đã phối hợp với tựa game đua xe QQ Speed của Tencent để bán skin, trong khi nhà sản xuất xe hơi điện Mỹ Tesla và nhãn hiệu xe hơi thể thao Italia Maserati đều đưa các phiên bản ảo của nhiều mẫu xe do họ thiết kế nên vào tựa game Peacekeeper Elite của Tencent, vốn là phiên bản PUBG Mobile dành cho thị trường Trung Quốc.
Xe hơi điện Tesla Model X xuất hiện trong tựa game Peacekeeper Elite, phiên bản PUBG Mobile dành cho thị trường Trung Quốc.
Đối với một số người tiêu dùng, những chiến dịch quảng bá này mang lại cho họ một cơ hội để được thử những nhãn hiệu siêu sang mà thông thường sẽ chẳng bao giờ có khả năng chạm đến. Burberry nói rằng các skin đã đề cập ở trên được dựa trên ý tưởng từ hoạ tiết ca-rô đặc trưng của hãng, kết hợp biểu tượng hai ký tự "TB" lồng vào nhau (hai chữ cái đầu của tên nhà sáng lập Thomas Burberry), và thiết kế áo khoác kinh điển. Một số fan cứng của Burberry ước tính nếu skin này xuất hiện ngoài đời thực, nó sẽ có giá hơn 41.000 Tệ (khoảng 6.300 USD, hay hơn 145 triệu đồng).
"Ai mà không muốn sở hữu một sản phẩm Burberry chứ? Trời ơi, cuối cùng tôi cũng được mang đồ Burberry rồi" - một game thủ viết trên Weibo, nền tảng microblog của Trung Quốc.
"Đây có lẽ là món đồ sang trọng ít đắt đỏ nhất và có giá phải chăng nhất hiện nay, và tôi nghĩ nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc sẽ thích skin Burberry này" - theo lời Huang Yu, một hướng dẫn viên du lịch tại Thượng Hải. "Bạn không thể có đủ tiền để mua một chiếc áo khoáng Burberry ngoài đời, nhưng bạn có thể mua skin game này cho bạn gái mình. Ý tưởng rất hay"
Dù những bình luận như trên cho thấy các nhãn hiệu sang trọng vẫn chưa thể đến tay nhiều người tiêu dùng, các game thủ nói chung trên thực tế đại diện cho một nhóm dân số tương đối khá giả, theo Matthew Kanterman, một nhà phân tích nghiên cứu tại Bloomberg Intelligence.
"Các nhãn hiệu ngày càng tìm kiếm nhiều cách để nhắm đến nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi, giàu có, sinh ra trong thời đại số, và thông qua các tựa game trực tiếp quả là một cách tuyệt vời để họ làm điều đó. Nhiều khả năng, dần dần, sẽ có thêm các nhãn hiệu học theo để làm các món đồ tương tự trong game và các sự kiện nhằm giúp họ quen thuộc hơn với các game thủ" - Kanterman nói.
Tại Trung Quốc, các tựa game như Honor of Kings đã tạo cầu nối giúp các nhãn hiệu toàn cầu tiếp cận người tiêu dùng nội địa. Tựa game của Tencent có khá nhiều yếu tố từ văn hoá Trung Quốc, bao gồm các nhân vật mà hầu hết trẻ em nước này được nghe kể từ nhỏ, như Thành Cát Tư Hãn, Mỹ Hầu Vương, nhà thơ Lý Bạch, và tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa cổ đại.
"Tôi yêu game này bởi nó có nhiều đặc điểm khởi nguồn từ Trung Quốc và gần như mọi bạn bè tôi biết đều chơi nó" - theo lời Zhang Ting, một nhân viên pha chế 26 tuổi ở Quảng Châu. "Nhờ sự ủng hộ của chúng tôi, nó đã trở thành một tựa game di động đỉnh cao trên toàn cầu"
"Ngày nay, bất kể thiết kế sản phẩm hay tính sáng tạo trong khâu quảng cáo ra sao đi nữa, các yếu tố Trung Quốc và phương đông vẫn được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng hơn cả" - theo Liu Xin, một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo.
Trailer giới thiệu skin Burberry trong Honor of Kings
Honor of Kings, một tựa game MMORPG, đã trở thành game đầu tiên trên thế giới có trung bình hơn 100 triệu người chơi mỗi ngày vào năm ngoái. Các game thủ Honor of Kings đã tiêu 2,6 tỷ USD vào game trong năm 2020, biến nó thành tựa game di động sinh lời nhất thế giới - theo dữ liệu từ công ty Sensor Tower.
Các sự kiện liên kết với các nhãn hiệu sang trọng và các tựa game khác sẽ tiếp tục là một xu hướng ngày một phổ biến hơn, theo Liao Xuhua, một nhà phân tích game làm việc tại công ty nghiên cứu thị trường Analysys ở Bắc Kinh.
"Cho đến nay, đây là cách hiệu quả hơn hẳn quảng cáo truyền thống để quảng bá cho một nhãn hiệu. Nò nó có thể không ngay lập tức biến nhiều người thành khách mua hàng, nó rất hiệu quả trong việc củng cố ấn tượng đối với nhãn hiệu trong lòng người tiêu dùng trẻ tuổi" - Liao nói.
(Theo VnReview, SCMP)
Những tựa game mới ra mắt tại Việt Nam tháng 3/2021
Cùng điểm qua những tựa game mới đáng chú ý vừa đến tay người chơi tại thị trường trong nước.