Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước CRC

Cách đây tròn 34 năm, ngày 20/11/1989, công ước đầu tiên về quyền trẻ em được thông qua, là minh chứng rõ rệt cho cam kết của cộng đồng quốc tế chung tay hiện thực hóa các quyền của trẻ em về y tế, giáo dục, dinh dưỡng, quyền được sống trong môi trường an toàn, không bạo lực, quyền được nói lên tiếng nói của mình và quyền hướng tới tương lai.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em (CRC) vào năm 1990.

Với cam kết chính trị và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các nhóm quyền của trẻ em ở mọi miền đất nước không ngừng được bảo đảm. Hệ thống pháp luật, chính sách để bảo vệ, chăm sóc trẻ em được xây dựng với nguyên tắc nhất quán “Lợi ích tốt nhất dành cho trẻ em”; phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực pháp lý quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong hệ thống luật pháp đó, Điều 37 Hiến pháp năm 2013 là cơ sở cho việc nội luật hóa những quy định về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Cụ thể hóa Công ước CRC và Hiến pháp 2013, Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định đầy đủ quyền, việc thực hiện quyền cũng như việc xử lý các vấn đề liên quan đến trẻ em...

Cùng với hệ thống luật pháp, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nhiều chương trình, kế hoạch hành động thực hiện trên toàn quốc để bảo vệ và giải quyết các vấn đề tồn tại, phát sinh liên quan đến trẻ em. Vì vậy, sau 33 năm thực thi CRC, quyền sống của trẻ em Việt Nam ngày càng được đảm bảo tốt hơn trên thực tế. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi/1.000 ca đẻ sống đã giảm còn 20,5‰ vào năm ngoái. Trẻ em của các gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Quyền được phát triển của trẻ em cũng được nâng cao. Tỷ lệ nhập học đúng  độ tuổi ở cấp trung học cơ sở của Việt Nam đạt 98,5% vào năm ngoái. Bình đẳng trong giáo dục được quan tâm thông qua việc ban hành các chính sách và vận động xã hội hỗ trợ trẻ em gái, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống trong các gia đình nghèo đi học.

Về việc thực hiện nhóm quyền được bảo vệ của trẻ em, hệ thống bảo vệ trẻ em đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đa dạng và phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm đối tượng đã góp phần đưa tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (so với tổng số trẻ em) được bảo vệ, chăm sóc đạt 96%; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 1,3% trong năm ngoái. Trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc các gia đình nghèo, dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn của Việt Nam được miễn giảm học phí và được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có nhu cầu. Việt Nam đã ban hành tiêu chí liên quan đến trẻ em, như: công nhận xã phường phù hợp với trẻ em; ngôi nhà, trường học, cộng đồng an toàn nhằm bảo vệ và phòng ngừa tổn hại cho trẻ em.

Về vui chơi, giải trí và thực hiện quyền tham gia của trẻ em, Việt Nam đầu tư xây dựng và dành 30% thời lượng hoạt động cho trẻ em tại hệ thống các thiết chế văn hóa như thư viện, bảo tàng, các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, khu vui chơi thể dục thể thao… Hầu hết là các điểm vui chơi ngoài trời gần khu dân cư, an toàn, thuận tiện cho trẻ em tiếp cận. Các hoạt động tăng cường sự tham gia của trẻ em vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách về trẻ em cũng từng bước được mở rộng trên cả nước

Mặc dù đạt được những thành tựu không thể phủ nhận nhưng việc đảm bảo quyền trẻ em ở Việt Nam vẫn có những khó khăn, thách thức. Do đó, cộng đồng vẫn tiếp tục chung tay hành động để bảo đảm tốt nhất quyền của trẻ em thông qua những đợt cao điểm là các Tháng hành động vì trẻ em vào tháng 6 hằng năm. Cùng với đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là nghiên cứu, sửa đổi Luật Trẻ em phù hợp với Công ước CRC, đồng thời tổ chức triển khai mạnh mẽ các nghị quyết, văn bản luật và các chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Bảo đảm trẻ em được tiếp cận dịch vụ xã hội tốt nhất

Tháng hành động vì trẻ em Việt Nam năm nay có nhiều thông điệp, bao gồm: Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em; gọi Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em; lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em...

W-thainguyen-1.png
Trẻ em được pháp luật bảo hộ quyền học tập

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chương trình góp phần chăm sóc trẻ em dân tộc thiểu số tốt hơn cả về thể trạng, tri thức và kỹ năng; đồng thời, bảo đảm trẻ em được tiếp cận dịch vụ xã hội tốt nhất, trong đó gồm: Dự án 5 (Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực), Dự án 7 (Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em), Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em), Dự án (Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn).

Theo đó, trẻ sơ sinh thuộc các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù được hỗ trợ tầm soát, điều trị theo Danh mục bệnh tật bẩm sinh phổ biến do Bộ Y tế quy định; hỗ trợ 1 lần chi phí đi lại cho trẻ đến cơ sở y tế thực hiện tầm soát bệnh tật bẩm sinh tối đa 500.000 đồng/trẻ.

Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng được hỗ trợ điều trị tối đa 3 triệu đồng/trẻ; hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng công thức cơm/cháo dinh dưỡng công thức ăn liền và sữa học đường cho trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non công lập tối đa 550.000 đồng/tháng/trẻ. Thời gian hỗ trợ theo số tháng thực tế đi học và hỗ trợ tối đa không quá 36 tháng/trẻ.

Cùng với các chương trình trước, Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp các em tiếp cận các dịch vụ một cách tốt nhất, phản ánh đúng phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nhiều hành động thiết thực, chung tay bảo vệ trẻ em

Tháng 5 vừa qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Đồng đội Trung ương, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam phát động Chiến dịch quyên góp gây Quỹ “Đồng hành cùng trẻ em nghèo, khuyết tật”. 

Chiến dịch nhằm vận động nhân dân cả nước chung tay ủng hộ nguồn lực để hỗ trợ lương thực, thực phẩm, phương tiện đi lại, bếp ăn, công trình vệ sinh nước sạch cho trẻ em nghèo, khuyết tật, mồ côi, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trẻ em vùng đặc biệt khó khăn.

Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhấn mạnh:Tôi mong muốn thông điệp “Đồng hành cùng trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi” được làm thật tốt, triển khai thật tốt trong hệ thống, nguồn lực đạt được sẽ được chia sẻ đến đúng đối tượng. Đặc biệt, nguồn lực dành cho đối tượng này chỉ dành cho đối tượng, không dành cho công tác truyền thông, tổ chức hay quản lý.

Những năm gần đây, Thái Nguyên liên tiếp là địa phương trong tốp dẫn đầu cả nước trên bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố về thực hiện quyền trẻ em. Hiện toàn tỉnh có hơn 293.000 trẻ em, trong đó gần 99.000 trẻ người dân tộc thiểu số, hơn 2.300 trẻ bị khuyết tật. 

Minh chứng là hiện nay trên toàn tỉnh 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc; khoảng 90% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 100% trẻ 5 tuổi được đến trường; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); 99,9% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Đặc biệt là hầu hết các hình thức trợ giúp trẻ em được cập nhật trên phần mềm.

Năm nay, tỉnh Nam Định tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em (từ 01 – 30/06) với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”.

Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Nam Định đề nghị cơ quan chức năng tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn, giúp trẻ có điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Ban Tổ chức đã trao 50 suất học bổng và 50 xe đạp cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bản tỉnh. Hơn 50 tổ chức, cá nhân đã ủng hộ gần 500 triệu đồng (hơn 21 nghìn USD) cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nam Định.

Tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 của tỉnh Hà Tĩnh, đại diện lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan trong tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em; xử lý nghiêm, kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em. Cùng với đó, vận động các nguồn lực quan tâm, chăm sóc, trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, khuyết tật, trẻ vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Còn huyện Ninh Hải, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023. Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động vui chơi, giải trí thông qua hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao cho trẻ; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, diễn đàn để trẻ được tham gia, bày tỏ ý kiến đóng góp xây dựng vấn đề liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, các trường học chú trọng tổ chức giáo dục kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; tăng cường sự tham gia của trẻ vào hoạt động tại gia đình, nhà trường và xã hội.

Đây là những minh chứng sống động cho thấy, những cam kết chính trị cũng như sự quan tâm, chỉ đạo và dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của Đảng, Nhà nước ta đã giúp cải thiện cuộc sống hàng triệu trẻ em. Các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn đồng thời những vấn đề phát sinh về trẻ em được chú trọng giải quyết. Nhận thức về công tác trẻ em của các cấp, các ngành, toàn xã hội được quan tâm và ngày càng nâng cao.

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV