Theo đó, khảo sát do WEF thực hiện cho thấy người dân các nước đang phát triển hứng thú với các công nghệ mới như vũ trụ ảo (metaverse), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) hơn người dân ở những nước có thu nhập cao.
Kết quả khảo sát hơn 21.000 người trưởng thành ở 29 quốc gia cho thấy, 52% trong số họ đã quen thuộc với khái niệm metaverse. 50% số người được hỏi có cảm nhận tích cực về tính ứng dụng của metaverse trong cuộc sống hàng ngày.
Đáng chú ý, Trung Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia và Colombia là những quốc gia hứng thú nhất với metaverse. Khoảng 2/3 số người được khảo sát ở những quốc gia này cảm thấy tích cực khi nhắc đến vũ trụ ảo.
Trung Quốc hiện là quốc gia mà người dân hứng thú nhất với việc ứng dụng metaverse (78% người được khảo sát). Xếp thứ 2 sau Trung Quốc là Ấn Độ với 75%.
Đặc biệt, các quốc gia có tỷ lệ người dân ít hứng thú với metaverse nhất (dưới 30% số người được khảo sát) lại là những quốc gia mà người dân ở đó có thu nhập cao nhất.
Cụ thể, chỉ 22% người được hỏi tại Nhật cho biết, họ cảm thấy tích cực khi nhắc đến metaverse. Những quốc gia xếp ngay sau đó là Anh (26%), Bỉ (30%), Canada (30%), Pháp (31%) và Đức (31%).
Khi được hỏi về việc vũ trụ ảo sẽ tác động lên lĩnh vực nào nhiều nhất trong cuộc sống, người dân các nước đang phát triển như Nam Phi, Trung Quốc và Ấn Độ cho rằng metaverse sẽ làm thay đổi môi trường học tập, giải trí, ứng dụng vào việc phẫu thuật từ xa và số hóa xã hội.
Ở chiều ngược lại, không nhiều người dân ở những nước có dân số già như Nhật Bản, Bỉ hay Pháp đồng ý với việc metaverse sẽ có tác động làm thay đổi đáng kể cuộc sống của họ.
Thực tế cho thấy, người dân các quốc gia đang phát triển cũng là nhóm đối tượng nhiệt tình hưởng ứng các công nghệ mới như tiền mã hóa hay Blockchain.
Thậm chí, trong một báo cáo được thực hiện bởi sàn giao dịch Gemini, một nửa số người được hỏi tại Ấn Độ, Brazil và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết đã sở hữu đồng tiền mã hóa đầu tiên của họ trong năm 2021.
Vấn đề lạm phát và sự mất giá của đồng tiền là những động lực chính thúc đẩy việc sử dụng tiền mã hóa tại những quốc gia đang phát triển. Ở những quốc gia có mức sống cao hơn, người dân ít phải lo lắng về vấn đề lạm phát hơn, nhu cầu sở hữu tiền mã hóa của họ vì vậy cũng ít hơn trông thấy.
Trọng Đạt