Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lũ, tình trạng ngập úng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên khá nghiêm trọng. Tại TP. Thái Nguyên, lực lượng chức năng tạm thời cấm người, phương tiện đi qua cầu Gia Bẩy, cầu Bến Tượng và cầu Mỏ Bạch. Bên cạnh đó, một số khu vực bị ngập sâu, cấm người và phương tiện lưu thông… Đặc biệt, trên địa bàn thành phố có 81 xóm, tổ dân phố của 17 xã, phường nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, trong đó có 20 xóm, tổ dân phố bị cô lập.
Mực nước sông Cầu dâng cao cũng đã gây ngập lụt trên diện rộng tại 8 xã ven sông ở huyện Phú Bình (gồm: Thượng Đình, Đào Xá, Bảo Lý, Nhã Lộng, Xuân Phương, Úc Kỳ, Nga My và Hà Châu). Tại TP. Phổ Yên, khu vực Phú Cốc thuộc phường Tân Phú (gồm 4 tổ dân phố: Bến Cả, Đồng Lẩm, Đình Phú Cốc, Lợi Bến) với khoảng 400 hộ dân cũng bị ảnh hưởng khi mực nước sông Cầu dâng cao, nguy cơ xảy ra ngập lụt vùng ven sông, sạt lở bờ sông và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Mưa lớn còn gây ngập úng cục bộ, nguy cơ xảy ra sạt lở tại một số khu dân cư ở các xã Văn Lăng, Hóa Trung, Văn Hán, Khe Mo, Nam Hòa, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Mưa to và gió giật mạnh khiến mực nước ở nhiều sông, suối trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương và TP. Sông Công dâng cao, gây ngập úng cục bộ; một số xã, thị trấn và trường học bị chia cắt; nhiều hộ dân phải di dời người, tài sản…
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và tình trạng ngập úng tại nhiều khu vực, các địa phương trong tỉnh đã và đang tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ triển khai các biện pháp cấp bách hỗ trợ nhân dân sơ tán và di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt, nguy hiểm đến nơi an toàn. Lãnh đạo các địa phương, các ngành chức năng trực tiếp đi kiểm tra tại những khu vực, công trình trọng điểm, xung yếu, như: Các công trình đê điều, vị trí, khu vực bị sạt lở đất và có nguy cơ sạt lở cao; các khu vực bị ngập... để kịp thời chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra.
Kiểm tra đập Ba Đa, địa điểm xung yếu nhất của tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị tỉnh bảo vệ an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân. Khi nước rút, huy động lực lượng, nhanh chóng làm sạch vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhân dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Xúc động đón Phó Thủ tướng trực tiếp đến thăm, động viên nhân dân bên chân đập Ba Đa, đại diện người dân bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Phó Thủ tướng đã quan tâm, động viên, chăm lo, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân trong mưa lũ.
"Thiên tai là điều không ai muốn, đây là khó khăn chung, bà con sẽ cố gắng đoàn kết, nhường cơm sẻ áo để cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống", đại diện người dân khẳng định với Phó Thủ tướng.
Tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên, báo cáo với Phó Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết đây là trận lụt lịch sử, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã tập trung cả hệ thống chính trị để ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các bộ, ngành cũng kiến nghị với Trung ương xử lý một số vấn đề liên quan đến việc xử lý đê hữu sông Cầu để giúp tỉnh xử lý dứt điểm trình trạng ngập lụt trong tương lai...
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang báo cáo tình hình giao thông thủy, bộ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận; đồng thời khẳng định ngành giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh sớm khắc phục tình hình sạt lở, ngập lụt trên các tuyến để khôi phục mạng lưới giao thông trong thời gian sớm nhất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết ngành công thương đã triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung thực phẩm; xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, không để găm hàng, tăng giá. Ngành công thương cũng đang khẩn trương triển khai khôi phục hệ thống điện trong thời gian tới, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng thay mặt lãnh đạo Chính phủ biểu dương tỉnh Thái Nguyên đã chủ động phòng, chống bão số 3 và mưa lũ sau bão với kế hoạch thống nhất, nhịp nhàng, thiệt hại ở mức thấp nhất về tài sản; không có thiệt hại về người; bảo đảm an ninh trật tự, được nhân dân tin tưởng.
Qua cơn bão số 3, đề nghị tỉnh rút ra những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là vấn đề ứng phó mưa lũ sau bão (gây nhiều thiệt hại về người). Đây là vấn đề không thể chủ quan vì từ giờ đến cuối năm dự báo còn nhiều cơn bão nữa. Bên cạnh đó, cần rút kinh nghiệm xử lý thông tin trên mạng xã hội; chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời phản bác các thông tin không chính xác, để nhân dân yên tâm.
Đề nghị tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó; không được chủ quan khi nước rút, tránh để tai nạn xảy ra; có kế hoạch khắc phục ngay những nơi ngập sâu, không để xảy ra dịch bệnh sau ngập lụt; cứu trợ, cứu đói cho dân;... đặc biệt là khắc phục cơ sở hạ tầng: Đường, điện, thông tin, giáo dục, y tế,... để sớm đưa học sinh đến trường, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc khắc phục hệ thống điện phải nhanh nhất nhưng cũng phải đảm bảo an toàn.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến đối với kiến nghị của tỉnh Thái Nguyên về hỗ trợ nguồn lực chống bão, khắc phục hậu quả sau bão; nâng cấp hệ thống đê hữu sông Cầu;..
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh phải đặc biệt quan tâm đến việc phục hồi sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp,... sớm trở lại bình thường.
Sáng 10/9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long và đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại tỉnh Yên Bái, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nên các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ tối 9/9 đến ngày 10/9 có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa từ 19h ngày 9/9 đến 5h ngày 10/9 phổ biến từ 50-150 mm, một số nơi cao hơn 300 mm như: Yên Ninh 352,2 mm; Minh Bảo 333,8 mm; Hòa Cuông 248,8 mm; Tân Nguyên 142,2 mm; Phúc Lợi 131 mm; Mậu Đông 102 mm...
Trên sông Thao tại Yên Bái lũ vẫn đang tiếp tục lên. Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử, mực nước trên sông Ngòi Thia dao động ở mức cao (phụ thuộc vào điều tiết xả lũ của các thuỷ điện phía thượng lưu).
Trong 12-24 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên và duy trì trên mức lũ lịch sử; mực nước trên sông Ngòi Thia dao động ở mức cao (phụ thuộc vào điều tiết xả lũ của các thuỷ điện phía thượng lưu).
28 người chết và mất tích; hơn 2.300 nhà phải di dời để bảo đảm an toàn
Theo báo cáo ngày 10/9 của UBND tỉnh Yên Bái, trên địa bàn tỉnh có 28 người chết và mất tích, trong đó: 22 người chết do sạt lở đất (huyện Văn Chấn 1 người; huyện Lục Yên 11 người; thành phố Yên Bái 10 người); 6 người mất tích (huyện Lục Yên 2 người, thành phố Yên Bái 4 người). 10 người bị thương, trong đó: TP. Yên Bái 3 người, Lục Yên 5 người, Văn Yên 2 người.
Thiệt hại về nhà ở: 13.558 nhà, trong đó, 40 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 2.337 nhà phải di dời người và tài sản để bảo đảm an toàn; nhiều nhà bị tốc mái. 10.399 nhà bị ngập nước, trong đó 7.934 nhà ở thành phố Yên Bái.
Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng là hơn 4.017 ha.
Yên Bái huy động trên 10.800 người tham gia khắc phục hậu quả thiên tai
Yên Bái đã huy động trên 10.850 người để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Đối với 40 nhà bị sập đổ hoàn toàn đã di dời và bố trí chỗ ở tạm thời về nhà người thân. Đối với 2.337 nhà phải di dời người và tài sản đã bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ gia đình tại các nhà văn hóa, trụ sở UBND xã và xen ghép vào các hộ gia đình không bị ảnh hưởng.
Đối với các hộ bị ngập (10.399 nhà), đã di dời 41.590 người để bảo đảm an toàn bằng hình thức xen ghép vào nhà người thân và các hộ gia đình không bị ảnh hưởng.
Tổ chức, bố trí lực lượng y, bác sĩ và chuẩn bị thuốc men để khám và chữa bệnh cho nhân dân nơi sơ tán và tại chỗ.
Bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Tiếp tục rà soát, tìm kiếm quỹ đất để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn; nhà phải di dời khẩn cấp.
Tỉnh đã huy động 61.929 người, gồm các lực lượng bộ đội, công an, dân quân dự bị, dự bị động viên... sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Về phương tiện đã huy động trên 2.100 ô tô, tàu xuồng, máy xúc các loại và hơn 70.000 trang thiết bị khác phục vụ công tác phòng, chống bão lũ.
Tỉnh đã thành lập các đoàn công tác xuống địa bàn để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, các lực lượng có liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; chuẩn bị sẵn các khu vực và bảo đảm hậu cần, nhu yếu phẩm và các điều kiện lưu trú cho người dân tại nơi sơ tán.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh sức khỏe, tính mạng của nhân dân là cao nhất, phải quyết tâm tối đa để không xảy ra sự cố đáng tiếc.
Phó Thủ tướng đề nghị Quân khu 2 huy động số xuồng hiện có để hỗ trợ người dân. Tập trung cao cho công tác cứu hộ, cứu nạn; bằng mọi cách cứu hộ 3 người dân đang mắc kẹt trong mưa lũ (hiện đan bám vào cột điện). Khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho khu vực bị ảnh hưởng.
Triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Theo VGP