{keywords}
Ảnh: NY Times

Theo dữ liệu của hãng tin Reuters, số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu đã lên tới mức cao kỷ lục trong 7 ngày qua, với gần một triệu ca mắc mới được phát hiện mỗi ngày trên toàn cầu trong khoảng thời gian từ ngày 23 - 29/12.

Mặc dù các nghiên cứu cho thấy, Omicron ít gây chết người hơn so với một số biến thể trước, nhưng giới chức y tế các nước vẫn cho rằng cách tốt nhất để đón năm 2022 là ở nhà ăn mừng cùng với một vài vị khách đã được tiêm phòng.

Tại châu Âu, nơi có gần một triệu người thiệt mạng vì virus corona trong 12 tháng qua, các buổi hòa nhạc truyền thống và bắn pháo hoa đã bị hủy bỏ ở hầu hết các thành phố lớn, gồm cả London (Anh), Zurich (Thụy Sĩ), Paris (Pháp), Brussels (Bỉ), Warsaw (Ba Lan) và Rome (Italia).

Thị trưởng London Sadiq Khan tuần trước thông báo, buổi lễ đón mừng Năm mới ở Quảng trường Trafalgar bị hủy bỏ, vì “ưu tiên của người dân thành phố được đặt lên hàng đầu”.

Paris cũng hủy lễ đón Năm mới, gồm cả màn bắn pháo hoa ở Đại lộ Champ Elysee. Thủ tướng Pháp Jean Castex tuyên bố, các bữa tiệc quy mô lớn vào đêm Giao thừa cũng bị cấm.

Ở Berlin, Đức, buổi lễ Giao thừa và đón Năm mới tại cổng Brandenburg vẫn tiến hành nhưng không có khán giả. Các màn biểu diễn sẽ được truyền hình trực tiếp. Thủ tướng Olaf Scholz thông báo, mọi cuộc tụ tập bị giới hạn ở mức 10 người.

Nhà chức trách Ấn Độ ngày 30/12 bắt đầu áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn để ngăn tụ tập đông người, với lệnh giới nghiêm ban đêm được áp dụng tại toàn bộ các thành phố lớn, các nhà hàng được lệnh giới hạn số thực khách.

Đầu tuần này, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi mọi người cân nhắc lại kế hoạch tiệc tùng. “Tốt hơn hết là hủy ngay bây giờ và tổ chức sau, còn hơn ăn mừng bây giờ và sau đó phải hối tiếc”, ông tuyên bố.

Tuy nhiên, dù số ca nhiễm tăng song một số nơi vẫn chuẩn bị các sự kiện đón Năm mới, trong đó có Sydney. Hàng năm, thành phố của Australia này đều tổ chức màn bắn pháo hoa ngoạn mục phía trên nhà hát con sò và cầu cảng.

Tại New York, Thị trưởng Bill de Blasio thông báo, lễ đón Năm mới ở Quảng trường Thời đại sẽ bị thu nhỏ, với 15.000 người tham gia, gần bằng một phần tư so với mọi năm. Người tham dự phải đeo khẩu trang và có chứng nhận đã tiêm phòng đầy đủ.

Hãng thông tấn Fox tuyên bố hủy chương trình truyền hình trực tiếp từ Quảng trường Thời đại, do sự lây lan của biến thể Omicron khiến hãng không thể sản xuất một chương trình đúng tiêu chuẩn.

Ở Italia, các chủ nhà hàng và câu lạc bộ đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khi 25-30% số lượng đặt chỗ đêm Giao thừa đã bị hủy.

Tại Tokyo, Nhật Bản, cũng giống như năm ngoái, các cuộc vui chơi chào đón Năm mới tại giao lộ Shibuya đã bị hủy bỏ. Việc uống rượu ở nơi công cộng tại Shibuya cũng bị cấm trong ngày 31/12/2021 và 1/1/2022.

>> Đọc tin thế giới trên VietNamNet  

Hoài Linh

Đại dịch Covid-19 có thể dứt vào 2022, cuộc sống mới sau Omicron sẽ thế nào?

Đại dịch Covid-19 có thể dứt vào 2022, cuộc sống mới sau Omicron sẽ thế nào?

Các chuyên gia cho rằng, Covid-19 sẽ không còn là “đại dịch” vào năm 2022 do tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu tăng và sự phổ biến của các loại thuốc kháng virus.