Để báo cáo cuộc gọi từ số điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, tin nhắn rác, người dân có thể gọi hoặc soạn tin nhắn gửi về đầu số 156 (hoặc 5656) theo cú pháp đơn giản dưới đây. Các cuộc gọi, tin nhắn này đều được miễn phí.
Những cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo
Gần đây, chị M.T. (ở Hà Đông, Hà Nội) nhận được các cuộc gọi từ số lạ thông báo chị được nhận phần quà từ các sàn thương mại điện tử như Shopee, Điện Máy Xanh,... mặc dù chị chưa mua sắm gì qua đây.
Chị M.T. cho biết: "Ngày 29/3, tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0291.99930XX. Người ở đầu dây bên kia thông báo tôi được Shopee tặng quà giới thiệu sản phẩm như nồi chiên không dầu, máy xay sinh tố, máy sấy tóc... rồi đề nghị kết bạn Zalo để gửi hình ảnh sản phẩm cho tôi lựa chọn. Người này cũng nói sẽ vận chuyển miễn phí phần quà tới nhà tôi.
Khi tôi hỏi thêm về bộ phận nào của Shope thực hiện việc tặng quà thì người này tỏ ra lúng túng, trả lời thiếu logic, thậm chí còn không biết tên tôi và nói rằng 'công ty bảo mật thông tin khách hàng'.
Trước đây, tôi cũng từng nhận cuộc gọi tương tự thông báo Điện Máy Xanh tặng tôi phần quà nhân dịp sinh nhật sàn thương mại điện tử này. Tôi hỏi xác thực lại sinh nhật vào ngày nào thì ngay lập tức thanh niên ở đầu kia chửi bậy và tắt máy.
Do đã đọc nhiều thông tin về các vụ gọi điện thoại mạo danh cơ quan, tổ chức và lừa đảo qua mạng nên lần này tôi chủ động chấm dứt nghe cuộc gọi này để không tốn thêm thời gian".
Theo chia sẻ của chị M.T., chị đã báo cáo cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ số điện thoại 0291.99930XX tới đầu số 156.
Cách báo cáo số điện thoại lừa đảo, tin nhắn rác tới đầu số 156
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã triển khai đầu số 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua 2 hình thức thoại và tin nhắn, miễn phí cho người dùng.
Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động (từ năm 2020, Bộ TT&TT đã triển khai đầu số 5656 tiếp nhận tin nhắn phản ánh các tin nhắn rác, cuộc gọi rác theo quy định).
Ngoài ra, Bộ TT&TT giao Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Cục Viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông tiếp nhận và xử lý yêu cầu tra cứu thông tin tên miền bằng phương thức nhắn tin qua đầu số 156; thống nhất cách thức kết nối, trao đổi thông tin giữa hệ thống của doanh nghiệp và hệ thống của VNNIC; quy trình tiếp nhận, lưu trữ, chuyển tiếp, xử lý yêu cầu tra cứu thông tin tên miền bằng phương thức nhắn tin qua đầu số 156.
Người dân thực hiện phản ánh tới đầu số 156 thông qua hai cách:
Cách 1 - Gửi tin nhắn tới đầu số 156: Đối với tin nhắn rác, soạn tin theo cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Đối với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, khách hàng soạn tin theo cú pháp: V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Đối với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng soạn tin theo cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Cách 2 - Gọi tới đầu số 156 để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...). Nội dung phản ánh theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.
Những chiêu lừa đảo phổ biến qua điện thoại, mạng xã hội
Giả danh cơ quan pháp luật yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp để phục vụ điều tra.
Giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn cung cấp phần mềm rồi lấy thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Lừa đảo trúng thưởng: Gọi điện thông báo trúng thưởng (xe, điện thoại,...). Yêu cầu đóng phí để nhận thưởng rồi chiếm đoạt tiền.
Mạo danh bảo hiểm xã hội thông báo nạn nhân đang nợ tiền hoặc trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, yêu cầu đóng phí để chiếm đoạt.
Giả danh nhân viên y tế gọi điện thoại thông báo người thân đang nằm viện cấp cứu trong bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền ngay để mổ gấp.
Giả danh cán bộ thông báo nạn nhân từng vi phạm lỗi giao thông và liên quan đến đường dây tội phạm, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra.
Mạo danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn bị hại cách nâng cấp sim 4G, 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại... Khi lấy được lòng tin của bị hại và bị hại làm theo hướng dẫn của đối tượng, chúng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của bị hại, cung cấp tài khoản ngân hàng... từ đó chiếm đoạt tài sản.
Số lạ quấy rối: Kẻ xấu mua được thông tin cá nhân của những người sử dụng ứng dụng thanh toán hoặc ứng dụng mua sắm trực tiếp cho phép người dùng có thể lấy mật khẩu bằng cách đọc đúng thông tin cá nhân hoặc các ứng dụng cho phép sử dụng số điện thoại dự phòng để thực hiện giao dịch. Sau đó, chúng liên tục gọi đến số điện thoại của người dùng.
Khi người dùng thấy phiền rồi "tắt máy", chúng sẽ gọi điện lên tổng đài của ứng dụng bằng một số điện thoại khác và báo mất điện thoại hoặc báo quên mật khẩu, cần đổi sang điện thoại mới hoặc lấy lại mật khẩu.
Sau khi lấy được mật khẩu mới, kẻ xấu sẽ thành công truy cập vào tài khoản ứng dụng của nạn nhân và bắt đầu thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Chuyển tiền làm từ thiện: Lừa gửi tiền về làm từ thiện, bạn được hưởng 30-40%, sau đó giả làm hải quan yêu cầu đóng phí.
Tuyển cộng tác viên đặt mua đơn hàng trên mạng, nhận tiền % 1-2 lần đầu, đến đơn hàng lớn hơn sẽ bị lỗi, không nhận được tiền.
Hack Facebook, Zalo,...: Chiếm quyền đăng nhập vào tài khoản Facebook, Zalo... nhắn tin cho bạn bè người thân hỏi mượn tiền.
Tìm người làm việc ở nhà: Quảng cáo lợi nhuận thu hút người chơi, khi nạp số tiền lớn vào sàn thì sàn sập, không rút được tiền.
Chuyển tiền nhầm để ép vay: Chuyển tiền vào tài khoản nạn nhân, sau một thời thì yêu cầu trả tiền như một khoản vay và đóng lãi.
Mua bán hàng trực tuyến: Gửi link để thanh toán trực tuyến. Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước đặt cọc rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Mạo danh công ty tài chính: Cung cấp khoản vay tiền lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, yêu cầu nạn nhân đóng phí vay rồi chiếm đoạt.
Để phòng tránh lừa đảo trực tuyến, Bộ Công an khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước hay lực lượng công an thông báo điều tra các vụ án.
Người dân cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các trang, tài khoản mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của mình cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch của người đó.
Tuyệt đối không bấm vào đường link hoặc mở các tệp đính kèm trong thư điện tử, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định.
Người dân cũng cần chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền tới người thân, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn nêu trên để tránh trở thành nạn nhân.