Gần 20 năm học tập và làm việc tại Mỹ, chị Hà luôn coi đây là quê hương thứ hai. Tốt nghiệp bậc cử nhân, sau đó lấy bằng tiến sĩ dược, thay vì ở lại các thành phố lớn, chị lựa chọn Paradise (California) - một thị trấn nhỏ với khoảng 25.000 dân.
“Đó là nơi rất sạch sẽ và yên bình. Tôi hạnh phúc khi hàng ngày con được sống trong môi trường trong lành, với rất nhiều cây cỏ”.
Để con có thêm nhiều trải nghiệm, từ khi Gạo - cô con gái đầu lòng của chị - được hơn 6 tháng, cả hai vợ chồng chị bắt đầu cho con đi du lịch nhiều nơi. Hơn 1 tuổi, cô bé đã được bố mẹ cho đi hết các thành phố dọc bờ Tây nước Mỹ và một số quốc gia khác.
“Thay vì phụ thuộc vào trường lớp, cả hai vợ chồng tôi đều thống nhất sẽ tạo ra môi trường để con được quan sát và tò mò về thế giới xung quanh. Quả thực, sau mỗi chuyến đi như thế, chúng tôi lại thấy con thêm phần dạn dĩ và dễ thích nghi hơn”.
Thế nhưng, khi con được gần 18 tháng, chị Hà bắt đầu nhận thấy con dần sợ khi phải tiếp xúc với người lạ. Chị không biết mình đã làm sai ở chỗ nào.
“Tôi tự hỏi có phải mình đang giữ con quá kỹ và điều đó đã gây tổn thương cho con hay không. Lựa chọn Paradise, tôi muốn con được sống cùng thiên nhiên, nhưng đó lại là nơi những ngôi nhà thường cách rất xa nhau. Con gần như không được giao tiếp với ai ngoài bố mẹ”.
Trước đó, bản thân chị cũng từng nghĩ đến điều này. Vì thế, đều đặn 3 tháng một lần, ông bà nội ngoại lại thay phiên nhau qua Mỹ sống cùng các con. Tuy nhiên, chị Hà thừa nhận, những thiếu hụt về môi trường giao tiếp vẫn không thể bù đắp.
“Khi thấy con không nói được tiếng Việt, cả hai vợ chồng đều đấu tranh tư tưởng rất nhiều giữa việc đưa con về Việt Nam hay ở lại Mỹ. Tôi cũng sợ rằng sau này con sẽ mất kết nối với gia đình và không hiểu gì về nguồn cội”.
Cho nên, dù rất yêu nước Mỹ, vợ chồng chị Hà vẫn quyết định gửi con về Việt Nam ở cùng ông bà nội khi Gạo vừa tròn 18 tháng. Cô bé sau đó được ông bà cho học tiếng Việt tại trường mẫu giáo.
Gạo về quê, vợ chồng chị Hà dự tính mỗi mùa hè sẽ đón con qua Mỹ. Đến khi 4 tuổi con sẽ quay trở lại học mẫu giáo tại Mỹ một năm, trước khi bước vào lớp 1. Tuy nhiên, mọi kế hoạch đã bị gián đoạn vì 2 năm Covid.
“2 năm quay trở lại Việt Nam, tôi bất ngờ khi thấy con mình lớn quá. Tôi cảm thấy có lỗi khi đã bỏ lỡ quá nhiều thời gian bên con.
Tôi trăn trở về những lời mẹ mình chia sẻ, “con cái chỉ có một khoảng thời gian ngắn chịu ở bên cha mẹ. Rồi sau đó, chúng cũng có bạn bè và những mối quan tâm riêng. Nếu bỏ lỡ quãng thời gian này, mình sẽ không còn cơ hội ở bên con nữa”.
Hai vợ chồng chị sau đó đã quyết định bỏ hết tất cả để về bên con. Với chị Hà, đây là một quyết định khó khăn, bởi chị đang rất yêu thích công việc tại Mỹ.
Dạy con và học lại cách làm mẹ
Về Việt Nam từ cuối tháng 10, chị Hà nói hai tháng qua đã khiến chị “thực sự hạnh phúc” vì được chứng kiến những khoảnh khắc lớn khôn của con. Bà mẹ 36 tuổi cho biết, khi trở về Việt Nam, bản thân chị cũng phải bắt đầu học lại cách làm mẹ.
“Tôi hay suy nghĩ về việc giao tiếp giữa mình và con, để xem mình cần phải thay đổi những gì. Tôi cũng không ngần ngại xin lỗi con và cùng con bàn cách thức xử lý mọi chuyện sao cho hài hòa nhất.
Tôi muốn con hiểu rằng, mẹ hay bất cứ người lớn nào cũng có thể làm sai và mẹ mong con sẽ thông cảm, sửa sai cùng mẹ. Tôi tin, đứa trẻ phát triển chính nhờ sự yêu thương và đồng hành của cha mẹ”.
Phát triển cả thể lực và trí lực
Ngoài ra, có hai điều chị đặc biệt quan tâm trên hành trình nuôi dạy con là phát triển thể lực và trí lực toàn diện.
Qua Mỹ du học từ năm 17 tuổi, cho đến khi đi làm, chị Hà nhận thấy, “mình luôn là người thấp bé nhất trong tập thể”.
“Là dược sĩ, nhưng ở thời điểm mới ra trường, tôi nhận thấy thái độ phân biệt rõ ràng của người bệnh dành cho mình chỉ vì tôi có vóc dáng nhỏ bé. Tôi không muốn điều đó sẽ lặp lại với các con hay bất cứ trẻ em Việt Nam nào”.
Vì thế, chị quyết định trở thành chuyên gia nghiên cứu về việc tăng chiều cao, kéo dài tuổi thọ cho một tập đoàn để cùng lan tỏa cách thức giúp con phát triển chiều cao.
Một trong những việc trong danh sách “cần làm với con” khi trở về của chị Hà là luôn cố gắng dành thời gian đi dã ngoại, đi bơi, leo núi khám phá thiên nhiên.
“Tôi luôn khuyến khích con chơi với đất, với cát để có thể phát triển trí tưởng tượng cũng như sức đề kháng.
Ở Mỹ, cha mẹ có thể dẫn con tới các công viên chó mèo để con được tiếp xúc, từ đó, con sẽ phát triển tình yêu thương với động vật và tăng cường sức đề kháng.
Thậm chí, ở một số bệnh viện còn có riêng một ngày để các bệnh nhi được chơi cùng chó mèo. Họ lý giải rằng, điều đó sẽ tạo ra 'những hormone hạnh phúc' và khiến trẻ nhanh lành bệnh hơn”.
Kể từ khi trở về Việt Nam, chị Hà cũng bắt đầu lên kế hoạch mỗi tháng một lần cùng con đi từ thiện hoặc giúp đỡ một ai đó để con cảm thấy rằng mình may mắn thế nào.
“Tôi thường nói với con, “vượt sướng” khó hơn “vượt khổ” rất nhiều. Bởi trong hoàn cảnh nghèo khổ, ý chí của con người luôn phải vươn lên. Còn trong điều kiện thuận lợi hơn, con có thể coi những điều đó là rất bình thường.
Tôi muốn con hiểu rằng, con rất may mắn khi có được cuộc sống hiện tại. Con cần trân trọng điều đó và phải biết san sẻ, giúp đỡ những người xung quanh”.