Tháng cuối năm 2023, thị trường vàng trong nước nổi sóng. Giá vàng tăng điên cuồng, đạt đỉnh lịch sử 80,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới được nới rộng. Theo đó, vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 18-20 triệu đồng mỗi lượng.
Mức chênh này khiến Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phải nói thẳng "không thể chấp nhận được” tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, sáng 3/1.
Ông Tú nhấn mạnh, thế giới tăng 1 trong nước tăng 3 là không chấp nhận được. Nhà nước cũng không chấp nhận mức chênh lệch về giá giữa vàng miếng SJC với các loại vàng khác đến mấy triệu đồng một lượng.
Phó Thống đốc khẳng định việc quản lý thị trường vàng miếng là vì quyền lợi của 100 triệu dân Việt Nam, chứ không phải quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Nhà nước không bảo hộ kinh doanh vàng bạc, nhất là vàng miếng.
Sau những chỉ đạo từ Chính phủ về việc thúc đẩy quản lý thị trường vàng và những tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước gần đây về việc có thể nhập khẩu vàng, sẵn sàng tăng nguồn cung... đã giúp giá vàng trong nước hạ nhiệt.
Giá vàng SJC từ đỉnh 80,3 triệu đồng mỗi lượng (ngày 27/12/2023) giảm mạnh về 74,52 đồng/lượng chiều bán ra kết phiên 9/1/2024. Dù vậy, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới 12-13 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với PV. VietNamNet về thị trường vàng Việt Nam những ngày qua, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội, cho rằng, độc quyền vàng SJC hay không không còn quan trọng nếu Nhà nước tổ chức lại được thị trường kim loại quý này.
Theo ông, có thể phân tách riêng thị trường vàng mua bán theo kỳ hạn và thị trường mua - bán vàng vật chất.
Trong đó, thị trường vàng mua bán theo hợp đồng kỳ hạn, mọi người có thể tham gia đầu tư. Hoạt động này giống như thị trường dầu thô, ai cũng có thể mua bán được, không cần phải đem dầu thô chạy khắp nơi để mua bán. Còn thị trường vàng vật chất là chuyển giao cho nhau khi mọi người thực sự cần sử dụng.
Theo đó, nếu là nhà đầu tư thì tham gia thị trường vàng mua bán theo hợp đồng kỳ hạn, không nhất thiết phải chạy ngược chạy xuôi cầm 5 chỉ, 10 chỉ vàng, ông Minh nói.
"Vai trò của Nhà nước là cần tổ chức được thị trường hàng hóa. Vàng hiện nay là hàng hóa, vậy tại sao không tổ chức để mọi người mua bán theo các hợp đồng kỳ hạn cho thoải mái?' ông Đinh Tuấn Minh đặt vấn đề.
Theo ông, làm được như vậy giá vàng trong nước sẽ liên thông với giá vàng thế giới, không còn chênh lệch cao như hiện nay. Bởi, người ta mua bán hợp đồng kỳ hạn chứ không phải mua bán vàng vật chất.
Với vàng vật chất, cũng cần chuẩn hóa để người thực sự có nhu cầu về vàng vật chất có thể mua bán. Ví như, các tổ chức tín dụng, công ty vàng bạc nữ trang là người cần vàng vật chất cất trong kho hoặc dùng để chế tác ra sản phẩm trang sức.
“Đây là vấn đề mấu chốt của thị trường vàng Việt Nam, chứ không phải vấn đề độc quyền hay không độc quyền vàng SJC. Bởi, bản chất có độc quyền hay không, người dân vẫn nháo nhác cầm vài lượng vàng mang tới chỗ này chỗ kia bán”, ông Đinh Minh Tuấn nhấn mạnh.
Trước đó, giá vàng miếng tăng mạnh nguyên nhân một phần do nguồn cung khan hiếm. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cấp quota nhập khẩu vàng thì giá vàng giảm mạnh. Cùng với đó, xoá bỏ độc quyền vàng SJC sẽ giúp giá vàng trong nước giảm về sát giá vàng thế giới.
Giá vàng trong nước đang giảm khi sức cầu suy yếu và vàng thế giới hạ nhiệt. Nhiều người nhìn nhận giá vàng hiện vẫn đắt đỏ và chờ giá kim loại quý này về mức hợp lý hơn để mua vào với mục đích đầu tư hoặc tích trữ.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Nhất Việt - nhận định, giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới hơn trong thời gian tới, nhất là khi cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp ổn định thị trường.
Song, theo ông, nhiều người vẫn tin tưởng vàng về dài hạn và có thể mua vào khi vàng dần giảm theo những biện pháp can thiệp của Ngân hàng nhà nước.