1. Nguyên liệu làm nộm sứa
Sứa: 250g
Cà rốt: Nửa củ
Dưa chuột: 1 quả
Xoài xanh: Nửa quả
Hành tây: Nửa củ
Rau mùi, húng quế: 1 ít
Tỏi: 1 củ
Ớt: 1 quả
Nước mắm: 3 thìa
Nước cốt chanh: 3 thìa
Lạc rang: 1 ít
Vừng rang: 1 ít
Đường: 3 thìa
2. Cách làm nộm sứa
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Sứa đem ngâm vào thau nước sạch chừng 40 phút rồi rửa lại nhiều lần để loại bỏ vị mặn, mùi tanh.
Sau đó, đun sôi nước, cho sứa vào chần sơ rồi vớt ra ngay và ngâm vào bát nước đá lạnh, giúp cho sứa được giòn và ngon hơn.
Rau mùi, húng quế rửa sạch, thái nhỏ. Cà rốt, dưa chuột và xoài xanh thì gọt vỏ, bào sợi.
Hành tây bóc vỏ, thái miếng mỏng và ngâm trong nước đá có pha giấm hoặc chanh để giảm bớt mùi hăng.
Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, băm nhỏ. Ớt rửa sạch, thái nhỏ.
Lạc và vừng rang đem giã dập để trộn cùng nộm tăng mùi thơm, béo bùi.
Bước 2: Pha nước mắm trộn nộm sứa
Cho nước mắm, đường và nước cốt chanh vào 1 chiếc bát tô theo tỷ lệ: 3:3:3. Tiếp đó, dùng thìa khuấy đều cho gia vị tan rồi thêm tỏi và ớt băm vào.
Nếm thấy phần mắm trộn đậm đà, có vị chua chua, cay cay là có thể đem đi trộn nộm.
Bước 3: Trộn nộm sứa
Lần lượt cho sứa, cà rốt, xoài xanh, dưa chuột, hành tây thái sợi vào 1 chiếc bát tô. Tiếp đó, rưới phần nước mắm chua ngọt đã pha lên trên và trộn đều.
Bước 4: Hoàn thành
Rắc phần rau mùi, húng quế cùng vừng, lạc đã giã dập lên trên nộm sứa, đảo đều một lần nữa rồi gắp ra đĩa. Vậy là bạn đã hoàn thành món nộm sứa giòn ngon, thanh mát.
3. Lưu ý khi làm nộm sứa
Để có món nộm sứa ngon, để lâu vẫn giòn và không bị chảy nước bạn cần lưu ý một số điều sau:
Bạn cần chú ý chọn mua sứa ngon. Trên thị trường hiện có 2 loại sứa là loại tươi và loại đóng gói đã qua sơ chế.
Với sứa đã sơ chế, bạn cần chú ý thông tin được nhà sản xuất in trên bao bì như: Thành phần, hạn sử dụng. Nên mua loại sứa mới sản xuất và thời gian sử dụng còn dài.
Với sứa tươi, khi mua bạn nên chạm vào sứa để cảm nhận được độ săn chắc, tươi ngon.
Cần quan sát màu sắc của sứa. Những con sứa ngon sẽ có màu hồng phớt trắng. Ngoài ra, trên bề mặt của chúng thường có lớp phấn mỏng như muối. Tuyệt đối không mua sứa có màu hơi ngả vàng, bởi đó là những con sứa đã bị ngâm qua hóa chất.
Sứa tươi ngon sẽ có mùi tanh đặc trưng và chạm vào không có cảm giác nhờn, bết dính.
Với dưa chuột, bạn nhớ cắt bỏ phần ruột của quả. Bởi phần này nhiều nước, nếu để lại sẽ khiến món nộm sứa kém hấp dẫn.
Phần rau củ rất dễ bị héo, mất nước. Do đó, để rau củ luôn giòn, bạn nên cho chúng vào hộp bảo quản thực phẩm hoặc túi trữ đông rồi cất trong ngăn mát tủ lạnh, khi nào chuẩn bị trộn nộm sẽ lấy ra dùng.
Không nên trộn nộm quá sớm vì rất dễ khiến nộm ra nước nhiều hơn so với bình thường. Ngoài ra, việc để nộm trong 1 thời gian dài cũng làm giảm đi độ giòn ngon.
Nên cho nước trộn vào theo nhiều lần, rót từ từ kết hợp dùng tay bóp nhẹ nhàng như thế sứa vừa ngấm gia vị lại tránh tình trạng ra nước.
Phần mắm trộn nộm sứa cần được pha đặc. Tùy vào sở thích của mỗi người mà pha đậm nhạt khác nhau. Khi gần ăn mới vắt thêm nước cốt chanh.
Các loại hạt như lạc, vừng phải cho sau cùng để giữ độ thơm ngon.
Cách làm nộm sứa như trên sẽ cho ra thành phẩm vô cùng thơm ngon. Sứa giòn sần sật thấm đẫm vị chua chua, cay cay. Rau củ giòn ngọt, thanh mát, xoài xanh chua chua giúp món ăn thêm nhiều hương vị. Đặc biệt là sứa không hề bị tanh, nộm để lâu không ra nước.
Nộm sứa không nên để quá lâu vì rất dễ ra nước và làm mất đi độ giòn vốn có của món ăn.
Mong rằng, với cách làm nộm sứa đơn giản như trên, bạn sẽ có thêm một công thức món ăn ngon chiêu đãi gia đình. Chúc bạn thành công!
>> Xem thêm các công thức món ngon mỗi ngày mới nhất