1. Nguyên liệu vịt nấu chao
- Thịt vịt: 1kg
- Khoai môn: 500g
- Chao: 160g
- Nước dừa: 700ml
- Hành tím, tỏi, ớt, sả, chanh cắt lát
- Gia vị: nước mắm, đường, dầu ăn, bột ngọt, muối, hạt tiêu, dầu điều, sa tế
- Bún tươi: 600g
- Rau ăn kèm: cải xanh, rau muống
- Hành lá, rau mùi
2. Cách làm vịt nấu chao đơn giản
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Thịt vịt sau khi mua về thì rửa qua rồi lấy muối xát lên một lớp quanh vịt và dùng miếng chanh cắt lát chà đều lên thân vịt để giảm bớt mùi hôi của thịt vịt. Sau đó, rửa sạch, chặt nhỏ thịt vịt, để vào rổ cho ráo nước.
Khoai môn gọt bỏ vỏ, rửa sạch, rồi cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Hành tím và tỏi đem đi lột vỏ, băm nhuyễn. Ớt rửa sạch rồi băm nhuyễn. Sả bóc vỏ, thái nhỏ. Gừng cạo vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn.
Cải xanh và rau muống thì đem đi rửa sạch dưới vòi nước, cắt khúc vừa ăn, để vào rổ cho ráo nước.
Bước 2: Ướp thịt vịt
Cho thịt vịt vào tô cùng với 3-4 muỗng canh chao, 2 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh sa tế, 1 muỗng canh dầu màu điều, 1 thìa cà phê muối, cùng một nửa lượng hành khô, tỏi, sả đã băm nhuyễn. Sau đó, trộn đều các nguyên liệu và ướp 30 phút cho thấm gia vị.
Bước 3: Chiên khoai môn
Cho dầu vào chảo, rồi đặt lên bếp, khi dầu đã nóng lên thì cho khoai môn vào, chiên vàng đều các mặt, sau đó vớt khoai môn ra và tắt bếp. Việc chiên khoai môn sẽ giúp món vịt nấu chao có mùi thơm, khoai môn sẽ không bị nát sau khi nấu.
Bước 4: Đun vịt nấu chao
Cho một ít dầu ăn vào nồi, đun nóng, sau đó cho phần hành tím và tỏi còn lại vào, phi lên cho vàng thơm. Tiếp đó, cho hết phần thịt vịt đã ướp vào trong nồi, đun đến khi thịt vịt săn lại thì cho thêm nước dừa tươi, nước sôi cho ngập. Đun khoảng 15 - 20 phút thì thêm khoai môn đã chiên sơ vào. Khi khoai chín mềm thì nêm lại gia vị phù hợp, thêm hành lá, mùi tàu vào và tắt bếp.
Bước 5: Hoàn thành
Dọn vịt nấu chao ra ăn nóng. Các bạn có thể ăn kèm món vịt nấu chao với bún tươi hoặc cơm. Khi ăn, chần cho vào các loại rau yêu thích như: rau muống, rau cải xanh,... Chấm cùng nước chấm chao.
Cách làm nước chấm chao: Phi thơm sả, cho 3 viên chao tán nhuyễn, 3 muỗng canh đường, 1/2 bát nước cốt dừa xào cho sệt lại, rồi thêm sa tế, tỏi băm nhuyễn là được.
3. Lưu ý khi làm vịt nấu chao
Để làm vịt nấu chao, nên chọn mua vịt tươi ngon. Đối với vịt sống, nên chọn con vịt có bộ lông bóng mượt, vạch bên trong thấy không còn lông tơ, lông vũ bên ngoài mọc dài đầy đủ; nắm vào ức vịt thấy tròn đầy, mập mạp, da cổ và da bụng dày.
Đối với vịt làm sẵn, nên chọn vịt có màu vàng nhạt đều màu, cảm giác tươi mới. Không chọn vịt quá sậm màu hoặc có vết bầm, loang lổ; ấn vào vịt thấy săn chắc có độ đàn hồi là vịt ngon, không chọn những con ấn vào thấy mềm nhũn, có mùi hôi ươn, chảy nước là vịt để lâu, không ngon.
Nên chọn khoai môn có kích thước vừa phải, không quá lớn cũng không quá nhỏ, khoai tròn đều tựa như quả trứng gà. Cầm khoai trên tay có cảm giác nhẹ, xốp là khoai ngon. Ngược lại khoai nặng là có nhiều nước bên trong, khi nấu chín vị nhạt hoặc sượng không ngon.
Bạn nên sử dụng chao môn, để món ăn sau khi nấu ra sẽ béo và ngon hơn.
Để khử mùi hôi của vịt, cần cắt bỏ tuyến nhờn (phao câu). Nên chặt miếng to chút vì khi nấu thịt vịt co lại. Nên chiên sơ vịt trước khi nấu sẽ giúp món ăn có màu sắc và hương thơm hấp dẫn hơn.
Tùy theo khẩu vị, điều chỉnh lượng đường phù hợp và thêm nước cốt dừa vào để tăng thêm hương vị cho món chao.
Món vịt nấu chao đạt yêu cầu là khi nấu xong thơm ngon bắt mắt, với thịt vịt ngọt mềm thấm gia vị, nước dùng đậm đà, thêm vị bùi bùi của khoai môn, vị chao đặc trưng.
Trên đây là cách làm vịt nấu chao đơn giản mà ngon. Chúc các bạn thành công!
>>> Xem thêm các công thức món ngon mỗi ngày mới nhất.
Phương Anh (Tổng hợp)