1. Nguyên liệu làm chè bột lọc
Cùi dừa: 100g
Bột năng: 250g
Đường: 100g
Muối: 1/3 muỗng cà phê
Lá dứa: 1 bó
Dừa nạo sợi: 20g
Dừa sấy: 20g
Nước cốt dừa: 100ml
Vừng rang: 20g
Gừng: 1 củ
2. Cách nấu chè bột lọc
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Cùi dừa đem gọt sạch lớp vỏ ngoài sau đó rửa sạch, cắt hạt lựu để làm nhân.
Gừng cạo vỏ, rửa sạch và thái chỉ.
Lá dứa rửa sạch rồi buộc lại thành bó
Bước 2: Trộn bột
Bạn cho bột năng vào chiếc bát tô sau đó thêm từ từ từng chút nước sôi (100 độ C). Vừa cho nước vào bạn vừa dùng thìa trộn đều cho đến khi thấy bột đủ ẩm để nhồi thành một khối là dừng lại.
Khi nước đã bớt nóng, bạn dùng tay tiếp tục nhồi bột thật kỹ cho thành một khối bột mềm, dẻo, mịn, sờ không còn dính tay. Tiếp đó, bạn bọc kín bột và để bột nghỉ trong vòng 15 phút.
Bước 3: Tạo hình bánh
Sau thời gian bột nghỉ, bạn lấy ra, chia bột thành nhiều phần nhỏ rồi cho bột vào túi ni lông cột kín lại để bột không bị khô. Tiếp theo, lấy một phần bột lăn thành hình trụ dài, cắt nhỏ thành viên, mỗi viên khoảng 5g. Bạn làm lần lượt cho hết số bột còn lại.
Viên bột nhỏ sau khi cắt xong bạn vo tròn rồi ấn dẹt, lấy một cái cùi dừa đặt vào giữa miếng bột, gói lại, xoay vo cho viên bột tròn đẹp.
Bước 4: Luộc bột lọc
Bạn cho nước lọc vào nồi và đun sôi rồi cho các viên chè vào luộc khoảng 7-10 phút. Chờ đến khi viên chè nổi lên trên mặt nước là các viên chè đã chín.
Sau đó, bạn chuẩn bị một tô nước đá vớt các viên chè bỏ ra ngâm để các viên không bị dính vào nhau cũng như các viên chè trở nên giòn hơn.
Bước 5: Nấu chè
Cho vào nồi 1 lít nước, 100g đường, lá dứa, 1/3 muỗng cà phê muối, gừng thái sợi rồi bật bếp nấu cho nước sôi lên. Sau đó, bạn vớt các viên chè vừa ngâm ở bát nước lạnh cho vào nồi nước đường, nấu cho sôi trở lại.
Sau đó, bạn hòa tan khoảng 2 thìa bột năng với 1 chút nước rồi chế từ từ vào nồi chè, vừa chế vừa khuấy đều cho đến khi thấy chè có độ sánh đặc vừa ý muốn thì dừng lại. Nấu cho chè sôi trở lại thêm khoảng 1-2 phút là tắt bếp.
Bước 6: Hoàn thành
Múc chè ra bát, rắc thêm dừa nạo sợi, dừa sấy, thêm nước cốt dừa, vừng rang là hoàn tất. Ăn chè khi còn nóng là ngon nhất. Món chè bột lọc đạt yêu cầu khi có vị ngọt thanh, dai dai, béo béo của miếng bánh bột lọc, vị cay nồng của gừng tươi.
3. Một vài lưu ý khi nấu/ bảo quản chè bột lọc
Để nấu chè bột lọc ngon phải chọn được nguyên liệu chuẩn.
Dừa là nguyên liệu quan trọng trong món chè bột lọc. Bạn không nên chọn miếng dừa quá non hoặc miếng dừa quá già, ngon nhất là dừa bánh tẻ. Nếu chưa có kinh nghiệm mua dừa bánh tẻ cách tốt nhất là bạn chọn trái dừa có lớp vỏ bên ngoài cứng, khi đẽo ra thấy lớp vỏ mỏng màu nâu nhạt, còn nếu đậm là dừa già, bạn có thể bấm móng tay vào được nhưng không chảy ra sữa.
Để món chè bột lọc thơm ngon, khi làm, bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
Khi trộn bột, bạn nên đổ nước từ từ để bột không bị vón cục. Nhào bột thật kĩ để vỏ bánh khi nấu lên ăn không bị dai.
Khi làm nhớ bọc kín miếng dừa, nếu hở, bánh bột lọc sẽ bị vỡ làm nước đục, bánh nhạt.
Không nên dùng nước luộc bánh làm nước nấu chè.
Khi ăn nóng thì nhớ hòa tan một chút bột năng vào bát chè. Bột năng có tác dụng giúp món chè sánh lại.
Với món chè bột lọc nhân dừa bạn không nên cho quá ngọt, có thể cho ít nước cốt dừa lên trên khi ăn nếu thích.
Để làm món chè bột lọc thành công, bạn cần tuân thủ đúng tỉ lệ nguyên liệu cũng như công thức thực hiện như hướng dẫn.
Chè nấu xong bạn nên thưởng thức trong ngày. Nếu số chè nấu nhiều, không ăn hết, bạn hãy để riêng chè vào hộp đậy kín nắp bảo quản ngăn mát tủ lạnh 2-3 ngày. Khi ăn hâm nóng lại rồi hãy cho dừa nạo, mè rang, dừa sợi vào ăn cùng.
Cách làm chè bột lọc như trên đơn giản đúng không nào! Vậy còn chần chừ gì nữa mà không vào bếp thực hiện ngay để làm một bát chè bột lọc mời cả nhà thưởng thức. Chúc các bạn thực hiện thành công!
>>> Xem thêm các công thức món ngon mỗi ngày mới nhất.
Phương Anh (Tổng hợp)