Theo hãng tin Sputink, vào cuối tháng 12/2023, quân đội Israel xác nhận đã mất hơn 500 binh sĩ, gần 60 cảnh sát và 10 nhân viên tình báo Shin Bet, cùng hàng trăm người khác bị thương, kể từ khi xung đột Israel – Hamas bùng nổ vào ngày 7/10 cùng năm.
Do chiến dịch tấn công trên bộ của Israel ở Dải Gaza khiến số binh sĩ thương vong có xu hướng ngày càng tăng, trong tuần này, quân đội Israel thông báo tiến hành “giai đoạn mới” cho xung đột. Theo đó, phía Israel sẽ triển khai ít quân hơn, tiến hành nhiều cuộc đột kích có mục tiêu, và trọng tâm hơn. Điều này dường như ám chỉ chiến dịch ám sát các thủ lĩnh Hamas lẩn trốn ở Israel, và nước ngoài.
Trong khi đó, Hamas và các đồng minh xem động thái trên cho thấy chiến dịch trên bộ của Tel Aviv ở Dải Gaza đã bị sa lầy.
Israel từ lâu đã coi UAV trinh sát, cảm tử, và tấn công tầm xa là một phần quan trọng trong chiến lược quân sự. Israel còn là một trong số ít quốc gia có năng lực sản xuất, và phát triển tốt các loại UAV nội địa.
Trong suốt chiến dịch ở Dải Gaza mà cụ thể là lúc lực lượng mặt đất tiến công, quân đội Israel đã sử dụng UAV “làm tai mắt” cho binh sĩ để tìm kiếm các tay súng Hamas, và phát hiện đường hầm ẩn náu dưới những đống đổ nát của các thành phố ở Gaza.
Israel hiện được cho có khả năng tiếp cận hơn chục loại UAV khác nhau từ UAV IAI Harpy, đến UAV trinh sát tầm trung IAI Heron, UAV mini IAI Bird-Eye dùng để thu thập thông tin tình báo quân sự và bán quân sự, cùng UAV tấn công tầm xa Reaper MQ-9 thuộc hãng General Atomics của Mỹ mang tên Elbit Hermes 900.
Khi giao tranh giữa Israel và Hamas bùng nổ, Giáo sư Michael Clarke tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh từng chia sẻ với hãng tin Sky News rằng, Israel sở hữu đội quân thông thường sánh ngang với Mỹ và Anh. Trong khi đó, Phong trào Hồi giáo Hamas là một trong những nhóm vũ trang được trang bị vũ khí mạnh nhất trên thế giới.
Theo ông Clarke, quân đội Israel nói chung sở hữu công nghệ cao và rất sáng tạo, đồng thời cũng thường xuyên dùng UAV.