Tổng thống Mỹ lãnh đạo quân đội về tổng thể và chỉ huy quân đội thông qua Bộ Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu trưởng. Quân đội Mỹ có 11 Bộ Tư lệnh tác chiến thống nhất (CCMD), thông thường được phân chia theo các khu vực hoặc chức năng chuyên môn. Đây là lực lượng chịu trách nhiệm chỉ đạo và triển khai lực lượng khi tác chiến ở nước ngoài.
11 Bộ Tư lệnh tác chiến thống nhất gồm:
Bộ Tư lệnh phương Bắc (USNORTHCOM): chịu trách nhiệm khu vực lục địa Hoa Kỳ, Canada, Mexico, vịnh Mexico, eo biển Florida, các phần của khu vực Caribe bao gồm Bahamas, Puerto Rico, quần đảo Virgin (Mỹ), quần đảo Virgin (Anh), Bermuda, quần đảo Turks-Caicos và khu vực Alaska.
Bộ Tư lệnh phương Nam (USSOUTHCOM): chịu trách nhiệm khu vực Mỹ Latin ở phía nam Mexico, vùng biển tiếp giáp Trung và Nam Mỹ, biển Caribe, 12 quốc đảo, các vùng lãnh thổ châu Âu và một phần của Đại Tây Dương.
Bộ Tư lệnh chiến trường Trung tâm (USCENTCOM): chịu trách nhiệm khu vực Trung Đông, Ai Cập ở châu Phi, Trung Á và một phần Nam Á. Bộ Tư lệnh này chỉ huy chiến tranh Vùng Vịnh (1991), chiến tranh ở Afghanistan và chiến tranh Iraq (2003-2011).
Bộ Tư lệnh chiến trường châu Âu (USEUCOM): chịu trách nhiệm 51 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm châu Âu, Nga và quần đảo Greenland. Trong chiến tranh Vùng Vịnh và chiến dịch giám sát phương Bắc, USEUCOM đã kiểm soát các lực lượng bay từ căn cứ không quân Incirlikm (Thổ Nhĩ Kỳ).
Bộ Tư lệnh chiến trường Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (USINDOPACOM): chịu trách nhiệm khu vực trải dài từ vùng biển của bờ Tây nước Mỹ đến vùng biển phía Đông đường biên giới biển của Pakistan, tại kinh tuyến 66° kinh đông về phía đông Greenwich và từ Bắc Cực đến Nam Cực.
Bộ Tư lệnh chiến trường châu Phi (USAFRICOM): chịu trách nhiệm toàn bộ châu Phi, ngoại trừ Ai Cập. Hoạt động ở Bắc và Tây Phi của USAFRICOM nhắm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Boko Haram. Ở Đông Phi, các nhiệm vụ tập trung vào việc nhắm vào nhóm khủng bố Al-Shabaab và cướp biển.
Bộ Tư lệnh chiến lược (USSTRATCOM): thực hiện răn đe hạt nhân chiến lược, vận hành mạng lưới thông tin toàn cầu (GIG) của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ngoài ra, USSTRATCOM hỗ trợ các chỉ huy tác chiến khác, bao gồm phòng thủ tên lửa tích hợp và nhóm chức năng quân sự C4ISTAR (C4 - Chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính; I - Tình báo và STAR - Giám sát, thu thập thông tin về mục tiêu, và trinh sát).
Bộ Tư lệnh chiến dịch đặc biệt (USSOCOM): chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động tác chiến đặc biệt khác nhau của các quân chủng. USSOCOM tham gia các hoạt động bí mật như trinh sát đặc biệt, chống khủng bố, phòng vệ đối ngoại, chiến tranh phi quy ước, chiến tranh tâm lý, hoạt động dân sự và chống ma tuý.
Bộ Tư lệnh vận tải (USTRANSCOM): quản lý hoạt động vận chuyển của các binh chủng, đồng thời chi viện để thực hiện nhiệm vụ tác chiến.
Bộ Tư lệnh không gian mạng (USCYBERCOM): chỉ đạo hoạt động trên không gian mạng, tăng cường năng lực không gian mạng, đồng thời tích hợp và củng cố kiến thức chuyên môn về không gian mạng của Bộ Quốc phòng.
Bộ Tư lệnh không quân vũ trụ (USSPACECOM): tiến hành các hoạt động trong, từ và ngoài không gian để ngăn chặn xung đột.
Trong trường hợp tiến hành chiến dịch ở nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân sẽ truyền mệnh lệnh của Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng cho các Bộ Tư lệnh tác chiến thống nhất. Tư lệnh các Bộ Tư lệnh tác chiến căn cứ vào tình hình, quy mô để đưa ra phương án tác chiến, quyết định lực lượng sử dụng, chỉ định người chỉ huy và hạ mệnh lệnh tấn công.
Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ quyết định các vấn đề mang tính căn bản nhưng quyết định như “đánh hay không”, còn “đánh như thế nào?” là do các Tư lệnh này quyết định.
Phương thức này giúp người chỉ huy các cấp có quyền quyết sách tác chiến ở mức cao nhất, còn nhiệm vụ của người chỉ huy cấp trên chỉ là truyền đạt rõ ràng mục tiêu và kế hoạch chung để hiệp đồng hành động trên chiến trường.
Bảo Huy
>> Xem tin quân sự mới nhất trên báo VietNamNet