BHXH Việt Nam cho biết, tính đến tháng 4/2023, cả nước có 471 trường hợp nhận lương hưu hưởng từ 20 triệu đồng/tháng trở lên. Trong đó, có 382 trường hợp lương hưu từ 20-30 triệu đồng/tháng; có 80 trường hợp nhận lương hưu từ 30-50 triệu đồng/tháng; 9 trường hợp có lương hưu từ 50 triệu đồng/tháng trở lên.
Hiện nay người hưởng lương hưu cao nhất cả nước là ông P.P.N.T. ở TP.HCM với hơn 124 triệu đồng/tháng. Ông T. có thời gian dài giữ vị trí chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc của một công ty liên doanh nước ngoài. Trong 15 năm đầu tham gia BHXH, ông được đóng theo mức lương thực nhận, có nhiều thời gian lên tới 200 triệu đồng/tháng.
Khi Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực, mức lương làm cơ sở tính đóng BHXH có giới hạn cao nhất bằng 20 lần lương cơ sở. Do đó, giai đoạn 2007 tới khi nghỉ hưu, lương tính đóng BHXH của ông T. ở mức bình quân 15,4 triệu đồng/tháng. Riêng 2 năm cuối trước khi nghỉ hưu, tiền lương tính đóng BHXH của ông T. là 23 triệu đồng/tháng.
Tiền lương hưu của ông T. được tính theo tỷ lệ bình quân tiền lương tính đóng BHXH của toàn bộ thời gian 23 năm ông tham gia BHXH. Mức lương hưu với 20 năm đóng bằng 45% tiền lương tính đóng, sau đó mỗi năm cộng thêm 2%, nên khi nghỉ hưu ông T. nhận được mức lương bằng 51% tiền lương tính đóng.
Do trước năm 2007, ông T. đóng BHXH trên cơ sở tiền lương rất cao, nên bình quân lương tính đóng của ông cũng cao, và khi về hưu nhận lương hưu cao nhất cả nước.
Năm 2021, tiền lương bình quân tính đóng BHXH gần 5,7 triệu đồng/người/tháng, cùng thời điểm cả nước có trên 3,36 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng, chiếm hơn 22% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong đó, có 1 triệu người nhận chế độ do ngân sách đảm bảo, hơn 2,36 triệu người do quỹ BHXH chi trả.
Từ năm 2007, tiền lương tính đóng BHXH chỉ được tính tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở, khoảng 29 triệu đồng/ tháng (nay là 36 triệu đồng/ tháng sau khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng) thì mức hưởng lương hưu tối đa sẽ không còn người hưởng hàng trăm triệu mỗi tháng. Theo đó mức hưởng lương cao nhất chỉ dao động hơn 20 triệu đồng/ tháng.
Việc quy định mức trần đóng BHXH trên nhằm đảm bảo mức lương hưu không quá chênh lệch giữa những người hưởng, giữa nhóm làm việc trong hoặc ngoài khu vực Nhà nước, các lần tăng lương hưu cũng công bằng hơn.
Tham gia thêm bảo hiểm hưu trí nếu muốn lương hưu cao
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, quy định về mức trần lương tính đóng BHXH cơ bản sẽ tạo ra mặt bằng chung với khoảng cách không quá lớn giữa những người nhận lương hưu; nếu tham gia mức tối đa trong thời gian dài vẫn đảm bảo có lương hưu cao.
Trường hợp nếu người lao động muốn lương hưu cao hơn thì có thể tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện đã được áp dụng song hành với quy định về trần lương tính đóng BHXH cơ bản.
Phần tham gia hưu trí bổ sung này sẽ tiệm cận bảo hiểm thương mại, do các công ty quản lý quỹ triển khai, Nhà nước không can thiệp, không bảo hộ quỹ, không can thiệp vào mức đóng - hưởng.
Nhà nước khuyến khích người lao động và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện miễn giảm thuế.
Bảo hiểm hưu trí bổ sung được chính thức áp dụng từ năm 2018, mức đóng, phương thức đóng do người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động.
Theo cấp phép của Bộ Tài chính, hiện đã có 4 công ty quản lý quỹ được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, gồm: Công ty quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam, Công ty quản lý quỹ đầu tư MB, Công ty quản lý quỹ SSI, Công ty quản lý quỹ Vietcombank.
Trong đó, Dragon Capital triển khai 3 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện với tổng giá trị tài sản ròng hiện nay hơn 73,5 tỷ đồng với 217 người tham gia. MB triển khai 2 quỹ với tổng giá trị tài sản ròng hơn 11,1 tỷ đồng với 673 người tham gia. Hai công ty quỹ còn lại đang xây dựng mô hình hoạt động.