Cục Bưu điện Trung ương mới đây đã báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch cải cách hành chính quý III năm 2023 tại Cục.

Theo đó, Cục Bưu điện Trung ương đã hoàn thành 19/30 nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023, đạt tỷ lệ 63,3%. Một số nhiệm vụ khác đang thực hiện đảm bảo theo đúng tiến độ của Kế hoạch.

Về công tác cải cách thể chế, Cục đã xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Dự thảo Thông tư hướng dẫn về mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Theo dõi giám sát, hướng dẫn các doanh nghiệp, bưu chính, viễn thông thực hiện đúng các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin liên quan đến hoạt động của mạng bưu chính, viễn thông phục vụ cơ quan Đảng Nhà nước.

Đồng thời, ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước của Cục Bưu điện Trung ương năm 2023.

298902702-5920528287959620-1754517996704646879-n-1.jpeg
Cục Bưu điện Trung ương đã hoàn thành 19/30 nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023, đạt tỷ lệ 63,3%. Ảnh VNpost.

Về cải cách thủ tục hành chính, Cục Bưu điện Trung ương đã cụ thể hóa quy trình vận hành mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ thông tin cho các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đảm bảo vận hành mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối cho những dịch vụ quan trọng như dịch vụ hội nghị truyền hình quốc tế và trong nước của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành với 63 tỉnh, thành phố, mạng thông tin diện rộng của Đảng, mạng diện rộng của Quốc hội, Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia… Qua đó, phát huy được vai trò là hạ tầng kết nối căn bản của Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kết nối các hệ thông thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quản Đảng, Nhà nước.

Nâng cao tinh thần phối hợp trong việc giải quyết, thực hiện các thủ tục hành chính giữa các đơn vị thuộc Cục và Bộ Thông tin và Truyền thông với các cơ quan, đơn vị liên quan.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, thời gian qua, Cục đã xây dựng và được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chiến lược phát triển của đơn vị giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 1378/QĐ-BTTTT với những mục tiêu và định hướng đột phá. Cụ thể như: Trở thành đơn vị phục vụ đặc thù chuyên nghiệp, chủ động về nguồn lực, đầu mối phục vụ thông tin cơ mật, khẩn cấp, điều hành công tác phục vụ thông tin các sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước, đảm bảo an toàn thông tin trong mọi tình huống; mở rộng phạm vi phục vụ, quản lý, giám sát hạ tầng đến 4 cấp hành chính… 

Cục đã đề xuất thành lập 1 đơn vị mới có vai trò chủ trì, đầu mối, điều phối công tác điều hành toàn mạng để đảm bảo hiệu lực chỉ đạo, điều hành được nhanh nhất, giảm tối đa các khâu trung gian, quản lý, giám sát các mạng thống nhất, liên thông 4 cấp chính quyền. Thực hiện rà soát, tối ưu, tinh gọn mô hình tổ chức bằng việc sáp nhập 2 đơn vị tham mưu, giúp việc đảm bảo không phát sinh thêm đầu mối theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII.

Trong công tác ra soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị thuộc Cục Bưu điện Trung ương, Cục thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, tinh gọn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả, không chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống nhiệm vụ. Mục tiêu xây dựng Cục trở thành đơn vị phục vụ đặc thù chuyên nghiệp, chủ động về nguồn lực, đầu mối phục vụ thông tin khẩn cấp, cơ mật, chủ trì, điều hành công tác phục vụ thông tin cho các sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước, đảm bảo thông tin thông suốt, an toàn trong mọi tình huống. Mở rộng phạm vi phục vụ, quản lý, giám sát hạ tầng đến 4 cấp chính quyền, quản lý một số nền tảng dùng chung, kết nối Chính phủ số.

Về tình hình quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức được thực hiện đúng theo quy định trên cơ sở vị trí việc làm, báo cáo theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực sự có năng lực, phẩm chất, gương mẫu, có trình độ kiến thức, năng lực thực tiễn giỏi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.

Đặc biệt, Cục Bưu điện Trung ương đã tích cực xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Cục đã triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng 4 cấp hành chính với 100% kết nối đến cấp huyện: 705/705 điểm; đến cấp xã: 10.594/10.594 điểm. 

Trong xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng, hiện đã có 3 nền tảng họp trực tuyến của doanh nghiệp trong nước phục vụ các cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu về các tiêu chí kỹ thuật; tiêu chí an toàn thông tin; tiêu chí phi kỹ thuật; tiêu chí phi đặc thù. 

Trong xây dựng, phát triển các ứng dụng, dịch vụ nội bộ: Hệ thống theo dõi đôn đốc công việc tại Cục bao gồm các thành phần: Quy trình theo dõi, đôn đốc công việc, phần mềm theo dõi, nhắc nhở công việc cho từng cá nhân, tập thể; Hệ thống cập nhật chấm điểm KPI theo thời gian thực cho các lĩnh vực dịch vụ mà Cục đang cung cấp như Bưu chính KT1, Mạng TSLCD; Phần mềm tính lương….

Được biết, phương hướng trọng tâm cải cách hành chính 2023 của Cục Bưu điện Trung ương là cải cách thể chế; tập trung nâng cấp, hiện đại hóa năng lực hạ tầng mạng lưới, nâng cao chỉ tiêu chất lượng dịch vụ các mạng dùng riêng, thiết lập các hệ thống bảo vệ an toàn mạng, tăng cường kiểm tra giám sát việc triển khai, thực hiện quy định liên quan đến khai thác vận hành các mạng do Cục quản lý; chuyển đổi số các hoạt động của Cục. 

Đồng thời, cải cách hành chính gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động sáng tạo; khẳng định vai trò của Cục là đầu mối duy nhất phối hợp với các đơn vị chuyên trách của các văn phòng và đơn vị cung cấp giải pháp triển khai chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả cho 4 văn phòng tại Trung ương.

Thuý Lê