Tuần Việt Nam tiếp tục trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung về chặng đường cải cách sau thành công của Đại hội 13.
Đặt mình vào các bảng xếp hạng quốc tế
Vì sao ông cho rằng cần cải cách vai trò Nhà nước như là tiền đề để thúc đẩy kinh tế thị trường vận hành hiệu quả hơn?
Cách tốt nhất để nhìn nhận mình là ai, đang ở đâu là đặt mình vào các bảng xếp hạng quốc tế.
Hiện tại, thế giới đang áp dụng bộ chỉ số về Tự do kinh tế (IEF) của Quỹ Di sản để đánh giá về mức độ thị trường của các quốc gia, nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới thì có chỉ số Quản trị nhà nước.
Thông lệ quốc tế cho thấy, một nền kinh tế có điểm số tốt ở cả 2 bộ chỉ số này là một nền kinh tế thị trường hiệu quả.
Đáng tiếc là, chúng ta đều chưa tốt ở cả 2 bộ chỉ số. Chỉ số Quản trị nhà nước của Việt Nam chỉ khoảng 200/600 điểm. Còn IEF chỉ quanh ở mức 51-53/100 điểm, thuộc nhóm dưới so với các nền kinh tế khác.
Có thể nói, cả vế Nhà nước và vế thị trường đều đang chưa đạt so với đa số các quốc gia, các nền kinh tế khác.
Vì thế, cải cách phải từ vai trò Nhà nước vì những khó khăn trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường không nằm ở vế thị trường mà nằm ở phía Nhà nước.
Giải quyết được những vướng mắc ở thị trường đất đai sẽ tạo xung lượng lớn cho phát triển cũng như làm xã hội hài hòa hơn. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, vai trò của Nhà nước là ổn định kinh tế vĩ mô; thiết lập khung pháp luật và bộ máy thực thi để thị trường hoạt động tốt; khắc phục khiếm khuyết, thất bại của thị trường và đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho mọi người...
Trong kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước phải làm nhiều hơn và thực hiện tốt hơn các chức năng xã hội của mình.
Chúng ta vẫn coi ruộng đất là phương tiện sản xuất
Văn kiện Đại hội 13 nhấn mạnh cải cách các thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường đất đai. Thị trường đất đai rất khó vận hành trên nền tảng “người cày có ruộng”. Một mặt, người ta lo ngại doanh nghiệp tích tụ ruộng đất thì có thể đẩy nông dân ra rìa. Mặt khác, nông dân ở nhiều nơi bỏ hoang hóa ruộng đất vì làm nông nghiệp không hiệu quả. Đó là chưa nói giá đất đền bù cho nông dân là rất phi thị trường, gây bao hệ lụy xã hội. Theo ông, cần giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?
Mục đích sử dụng đất đai phải được quy định linh hoạt hơn cho người nông dân, họ thấy trồng lúa hay trồng khoai hiệu quả hơn thì có quyền lựa chọn trồng chứ không cần phải xin phép như hiện nay nữa. Một khi trồng lúa không hiệu quả bằng các loại nông sản khác thì hà cớ gì chúng ta cứ phải trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực cho ai đó, cho quốc gia khác!
Theo cơ chế hiện nay, chỉ nông dân có hộ khẩu địa phương và những người đăng ký kinh doanh đất nông nghiệp có hộ khẩu địa phương mới có ruộng đất. Có nghĩa là chúng ta vẫn coi ruộng đất là phương tiện sản xuất chứ không phải tài sản. Vì đất đai bị coi là phương tiện sản xuất nên không chuyển giao được, bị thu hồi với giá phi thị trường.
Chỉ khi nào quyền sử dụng đất nông nghiệp được coi là tài sản của nông dân, lúc đó mới bảo vệ tốt nhất quyền lợi nông dân. Quyền sử dụng đất nông nghiệp phải được coi là một loại tài sản chứ không phải chỉ là công cụ sản xuất.
Đó là cách thức tốt nhất bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nông dân vì một khi là tài sản của nông dân thì ai muốn chuyển đổi, thu hồi đất đai thì phải đàm phán, thỏa thuận chứ không theo kiểu vẽ ra một quy hoạch nào đó và đến thu hồi. Lúc đó, người nông dân sẽ có quyền lựa chọn như bán đứt hoặc góp vốn hoặc tham gia vào quá trình phát triển chứ không chỉ có một lựa chọn duy nhất là giao đất cho nhà đầu tư với giá rẻ mạt.
TS Nguyễn Đình Cung |
Khi quyền sử dụng đất đai được coi là tài sản của nông dân, được luật pháp bảo vệ thì quyền tài sản của nông dân mới được bảo vệ tuyệt đối.
Tôi cho rằng, giải quyết được những vướng mắc ở thị trường đất đai sẽ tạo xung lượng lớn cho phát triển cũng như làm xã hội hài hòa hơn.
Cải cách DNNN, cổ phần hóa dậm chân tại chỗ mấy năm nay; Ủy ban quản lý vốn gần như không có động thái cải cách gì với các dự án của DNNN. Vì sao lại như vậy?
Khi sửa luật Doanh nghiệp 2014 có quy định DNNN là DN 100% vốn nhà nước. Lúc đó ai cũng phản đối, nhiều người nói quy định như vậy là có ý thu hẹp DNNN.
Những người soạn thảo chúng tôi không thanh minh điểm này. Lý do là ở Việt Nam, tất cả cơ quan nhà nước đều có quyền thanh tra, kiểm tra, can thiệp vào hoạt động của DNNN. Như vậy DNNN có nhu cầu chuyển đổi sang công ty cổ phần, họ có động lực cổ phần hoá vì nếu duy trì DN 100% vốn nhà nước thì sẽ tiếp tục là đối tượng thanh tra, kiểm tra.
Bây giờ, luật Doanh nghiệp sửa đổi lại quay lại quy định DNNN là DN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tôi e là khái niệm mới này sẽ mở rộng phạm vi cơ quan nhà nước can thiệp mạnh mẽ hơn vào DNNN. Có nghĩa là cổ phần hoá đã khó giờ sẽ càng khó hơn. Người ta đầu tư vào 49% mà sau đó DN vẫn là DNNN và Nhà nước vẫn chi phối, áp đặt về hành chính, đầu tư, kinh doanh thì ai mua nữa. Đây phải nói là điểm lùi cải cách để chuyển sang kinh tế thị trường.
Cải cách DNNN về thực chất là chỉ cần làm một việc là cho DNNN thực sự là DN, được tự chủ đầu tư, kinh doanh. DN luôn đối mặt với rủi ro kinh doanh, thất bại, thành công là chuyện thường. Vì thế, nên nhìn tổng thể để đánh giá họ chứ đừng nhìn 1 dự án thất bại rồi trừng trị họ. Phải trị những kẻ nào lấy của chung bỏ túi riêng, chứ vì sao phải trị những người làm tốt, mang lại hiệu quả dù trong quá trình đó có chỗ này, chỗ khác sai quy định.
Nhiệm kỳ nhiều khó khăn
Trong 10 năm tới, chúng ta nhấn mạnh vào việc bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0. Ông nghĩ Việt Nam có cơ hội và nắm bắt được cơ hội đó không?
Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn 1 của phát triển và đang phấn đấu vươn lên giai đoạn 2, tức tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả, tạo được thị trường đã. Đổi mới, sáng tạo mà áp đặt mệnh lệnh hành chính chủ quan thì không bao giờ có được; đó phải là quá trình dựa trên cơ sở cạnh tranh thị trường và tích lũy của nền kinh tế.
Mà ở giai đoạn 2 này chúng ta cũng còn vô vàn vấn đề. Ví dụ, phân bổ vốn cho địa phương không theo luận cứ khoa học nào, không dựa trên hiệu quả đầu tư mà chỉ dựa vào tiêu chí dân số, đóng góp ngân sách. Chúng ta cứ nói nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh dàn trải nhưng phân bổ nguồn lực lại vẫn theo cách cũ.
Ông nhìn nhận thế nào về khó khăn và thuận lợi trong nhiệm kỳ tới đây?
Tôi nghĩ, nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều khó khăn, không thuận lợi bằng nhiệm kỳ 12 do thế giới vẫn đang đối phó với dịch bệnh Covid-19 và nhiều biến động khác. Còn trong nước, như văn kiện Đại hội 13 nhận định, bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn “lơ lửng”, động lực tăng trưởng không còn như trước, đặt ra yêu cầu đổi mới về thể chế.
Chiến lược 2021-2030 của Đảng đã xác định quan điểm “lấy cải cách nâng cao chất lượng thể chế làm điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước”. Văn kiện cũng xác định, phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh và kiến tạo một môi trường kinh doanh an toàn trên cơ sở thay đổi vai trò, công cụ quản lý, chức năng và năng lực của Nhà nước.
Chúng ta có hy vọng để tin rằng, nếu thực hiện tốt những gì Đại hội đề ra, nhất là trong Chiến lược 2021-2030 thì DN, người dân sẽ đầu tư nhiều hơn, dài hạn hơn, trong đó có đầu tư vào khoa học, công nghệ.
Khi DN, người dân có lòng tin để đầu tư lớn, đầu tư sâu thì đất nước có điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi đó, DN và người dân mới đủ sức tận dụng các lợi thế của đất nước.
Nền kinh tế chỉ có thể lớn mạnh nếu Nhà nước tạo điều kiện và tôn trọng quyền tự do kinh doanh, liên tục củng cố và bảo vệ an toàn kinh doanh của người dân, DN để các chủ thể này lớn mạnh, vững vàng, trở thành rường cột.
Lan Anh
Bài 1: Áp lực thay đổi có thể đến từ những lãnh đạo xuất chúng
Cần có những áp lực, sức ép bên trong, từ trên xuống dưới để tạo thay đổi. Áp lực đó có thể đến từ những người lãnh đạo xuất chúng.