Ăn trái đắng với combo du lịch giá rẻ
Có nhu cầu đi Sa Pa, Lê Thảo Linh (24 tuổi, Hà Nội) được tư vấn là mua combo sẽ rẻ hơn. Cô khảo sát và quyết định mua combo Sa Pa 3 ngày 2 đêm trên một hội nhóm thanh lý voucher, bán tour du lịch với giá 10 triệu đồng dành cho 3 người, bao gồm bữa sáng. Tuy nhiên, "ác mộng" thực sự bắt đầu khi gia đình Linh lên Sa Pa nhưng khách sạn báo không tìm thấy tên khách đã đặt phòng.
Khi đó, cô cuống cuồng gọi điện cho người bán nhưng không liên lạc được. Không chỉ điện thoại, facebook, zalo của người bán đã chặn tài khoản mạng xã hội của Linh. Lúc đó, Linh mới nhận ra cô bị lừa.
Tương tự, cách đây 3 năm, nhóm bạn của Nguyễn Trung Dũng (Vĩnh Phúc) đến Đà Nẵng để du lịch. Để tiết kiệm chi phí, nhóm sẽ tự đặt vé máy bay, còn phòng đặt qua một bên thứ 3 để có giá ưu đãi.
Sau khi khảo giá một số nơi, Dũng quyết định chọn bên đưa ra mức giá rẻ nhất, đúng với tiêu chí nhóm đề ra. Theo yêu cầu, Dũng phải thanh toán 80% tổng số tiền trước khi nhận được mã đặt phòng. Thấy người bán tư vấn nhiệt tình nên Dũng đồng ý chuyển tiền luôn và người bán cũng mất hút kể từ khi tài khoản phía Dũng bị trừ tiền.
"Quá bức xúc, mình đã lên nhóm bán combo du lịch để hỏi thì mới ngã ngửa ra là nhiều người từng bị lừa như thế. Đối tượng này thường chào mời khách hàng bằng cách đưa ra combo giá rẻ hơn rất nhiều đơn vị lữ hành để đánh vào lòng tham của người mua", Dũng nói.
Cú lừa này là bài học nhớ đời của Dũng, cũng là bài học cho không ít người khi mua combo du lịch, vé khách sạn, vé máy bay trên mạng khi chưa tìm hiểu rõ thông tin về người bán cũng như uy tín của đơn vị cung cấp dịch vụ.
Nhưng Lê Lan Phương (26 tuổi, Hà Nội) có lẽ lại có trải nghiệm tốt hơn với combo du lịch giá rẻ.
Lan Phương cho biết, hồi đầu năm cô và nhóm bạn thân cấp 3 lên kế hoạch du lịch Nha Trang. Thời điểm ấy, giá vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội - Nha Trang thấp nhất là 2,4 triệu đồng/người với giờ bay sáng sớm hoặc đêm muộn, còn giờ đẹp giá không dưới 3 triệu đồng/người.
Trước nguy cơ chi phí chuyến đi bị đội lên cao, Lan Phương được một bạn nhân viên công ty lữ hành tư vấn mua combo du lịch với giá chỉ 2,5 triệu đồng/người, bao gồm vé máy bay khứ hồi vào khung giờ đẹp và ở khách sạn 4 sao.
Ban đầu, một số thành viên cũng nghi ngờ về combo du lịch giá rẻ này song với trải nghiệm từng đi Phú Quốc theo combo như vậy, Phương đã thuyết phục được cả nhóm mua combo trên và tiết kiệm được gần 5 triệu đồng so với chi phí dự tính ban đầu. Và nhóm đã có chuyến đi vui vẻ.
Cách đi du lịch giá rẻ nhưng chất lượng cao
Hiện nay, trên các mạng xã hội, không khó để tìm thấy những cộng đồng bán voucher, combo du lịch giá rẻ. Để thu hút người mua, các đơn vị còn tung ra các gói khuyến mại như sử dụng bể bơi, miễn phí bữa ăn sáng, hỗ trợ xe đưa đón tận sân bay...
Chị Nguyễn Huyền, trưởng phòng kinh doanh ở một công ty lữ hành ở Hà Nội, cho rằng combo du lịch ra đời giúp khách tiết kiệm thời gian và có lịch trình di chuyển hợp lý. Nhiều năm trở lại đây, combo du lịch đã trở thành sản phẩm kinh doanh chủ đạo của nhiều đơn vị lữ hành vì tính hiệu quả cao. Song theo chị, combo du lịch cũng giống như nhiều mặt hàng, sản phẩm, có loại tốt, có loại không tốt. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải thông minh và tỉnh táo trước khi lựa chọn.
Đồng quan điểm, ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel, lưu ý người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua combo du lịch giá rẻ, bởi loại kém chất lượng có thể khiến du khách mất thời gian và "mua bực vào người".
Ông Nghĩa phân tích combo du lịch giá rẻ được tạo ra khi người bán "ăn rất mỏng" và quan tâm số lượng, có thể chỉ lãi 50.000 đồng/combo; bán giá bèo bọt nhưng cắt hết những dịch vụ cơ bản, không mua vé vào khu danh lam thắng cảnh; cũng có trường hợp nhằm mục đích khác mà chấp nhận bán lỗ.
"Tôi từng chứng kiến một cá nhân bán lỗ tour du lịch, câu hỏi là tại sao anh ta lại đi cắt máu mình ra để bán lỗ. Hóa ra tất cả tiền của anh ta là vay vốn ngân hàng và anh ta cần có nguồn tiền liên tục ra vào thì mới được vay thêm tiền ngân hàng. Và khi vay được tiền ngân hàng thì anh ta lại đi đầu tư ở các mảng khác, rồi lấy tiền lãi chỗ này đập vào chỗ kia", ông Nghĩa kể.
Chúng ta không nên cổ súy cho cách làm đó. Bạn có tiền thì bạn hãy đi du lịch và bạn đi du lịch, bạn xác định mua cái vui vào người, chứ đừng mua cái bực mình nào cả", ông Nghĩa nói.
Ông Phạm Phúc Anh, Giám đốc công ty Media Review Travel, cũng cho biết trên thị trường có rất nhiều đơn vị, cá nhân bán combo du lịch giá rẻ. Tuy nhiên, để có chuyến đi chất lượng, trước khi đặt vé, người tiêu dùng cần phải xem xét kỹ về thông tin của người bán, phản hồi của khách hàng từng đặt tour du lịch của các đơn vị này.
"Việc kiểm tra thông tin bây giờ rất dễ. Bạn có thể bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua vé cho chuyến đi dài ngày thì làm sao lại không dành ra được 5 - 10 phút kiểm tra thông tin của người bán chỉ với vài thao tác", ông nói.
Lấy dẫn chứng, vị giám đốc này cho biết, nhiều khách hàng từng than phiền với ông là từng bị lừa mua gói đi du lịch rởm trên mạng vì chính sự bất cẩn của bản thân. Kẻ lừa đảo sẽ đánh vào lòng tham của con người khi tung ra các combo du lịch giá rẻ đến khó tin. Sau đó, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền và "đột biến".
"Khi người mua biết mình bị lừa thì lúc đó không thể liên hệ được với kẻ lừa đảo. Họ vào facebook, zalo của kẻ lừa đảo thì mới phát hiện đó toàn là nick ảo. Nếu từ đầu, mọi người chịu khó kiểm tra thông tin thì có khả năng cao đã không bị mất tiền oan. Vì đối với dân làm du lịch, dân bán vé thì trang cá nhân của họ sẽ có lượt tương tác cao và cập nhật liên tục trong ngày. Việc này thì tôi chắc ai cũng có thể làm được, không hề khó một chút nào", ông Phúc Anh phân tích.
(Theo Zing)