Một môi trường sống đảm bảo được các yêu cầu vệ sinh cơ bản yếu tố vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thực tế cho thấy tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn, thiếu thốn. Cùng với đó, nhiều nơi còn tồn tại phong tục, tập quán, thói quen lạc hậu làm ảnh hưởng tới môi trường sống. Đơn cử như tình trạng chăn nuôi gia súc thả rông; nuôi nhốt gia súc gần nhà ở và dưới gầm nhà sàn; tình trạng hố xí tạm bợ, thậm chí phóng uế bừa bãi ra môi trường… là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường sống, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.
Nhằm đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống của người dân, thời gian qua, xã Khâu Tinh (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) đã tích cực tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ mang lại những hiệu quả rõ rệt.
Với vấn đề vệ sinh, xã tiến hành tuyên truyền về tầm quan trọng của việc xây nhà tiêu, nhà tắm đúng chuẩn, xây hầm bể tự hoại. Các gia đình đồng ý tu sửa nhà vệ sinh được hỗ trợ 5 triệu đồng. Nhờ sự tích cực của cán bộ tuyên truyền, thời gian qua, Khâu Tinh đã có 40 hộ gia đình đăng ký làm nhà tắm, nhà vệ sinh, trong đó, 20 hộ đã làm xong và đưa vào sử dụng, góp phần cải thiện đời sống của người dân, đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường.
Thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh là một trong những chiều được quan tâm giải quyết trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, ít nhất 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, ít nhất 60% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.