Trong số những tựa game bị lịch sử lãng quên, Call of Duty 3 có lẽ là cái tên đáng nói tới nhất. Vào thời điểm phát hành, series Call of Duty đang từng bước thiết lập vị thế của một trong những dòng game bắn súng hàng đầu sau thành công rực rỡ của phần 2. Tuy cũng được đánh giá khá cao, nhưng khi nhìn lại Call of Duty 3 chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn và là phiên bản đánh dấu việc Treyarch trở thành “đội dự bị” cho Infinity Ward.
Với những game thủ bắt đầu nghe tới Call of Duty từ Modern Warfare hay Black Ops 3, Call of Duty 3 chỉ đơn giản là một trong những phiên bản “Call of Duty cổ”. Nhưng khác với hai tựa game đầu tiên, Call of Duty 3 thường bị những fan lâu năm chê là không đạt được tầm của những người tiền nhiệm cũng như phiên bản tiếp theo (Modern Warfare). Mặc dù nhận xét đó có phần đúng, nhưng trên thực tế Call of Duty 3 vẫn vượt trội hơn rất nhiều bản CoD về sau.
Call of Duty 3 bắt đầu với nhiệm vụ mở màn tuyệt vời nhất trong cả series. Sau phần tutorial, người chơi bị đẩy vào một chiếc xe tải chật ních lính mới với mệnh lệnh ngắn gọn từ viên trung sĩ: “Các anh sẽ vô dụng khi chết”. Thẳng thắn và thực tế, khó có thể không ưa người sĩ quan này lẫn chất giọng khàn khàn của ông ta. Những mệnh lệnh tiếp theo từ chỉ huy đơn vị cũng rất xúc tích và hài hước: “Nhiệm vụ bí mật ngày hôm nay là lấy cà phê và bánh ngọt, nhưng bọn phát xít đã xơi hết sạch rồi.” Cách mở đầu tinh tế nhưng chân thực này được áp dụng ở rất nhiều phiên bản Call of Duty về sau.
Nhiệm vụ mở màn của Call of Duty 3 là những pha hành động nghẹt thở. Hứng chịu pháo kích, tiêu diệt xe tăng, len lỏi dưới đường hầm bí mật và một núi xác quân phát xít, tất cả làm nên một khúc dạo đầu hùng tráng cho toàn bộ phần chiến dịch.
Một điều thú vị của phần chơi đơn là mức độ tập trung. Nếu hai tựa game đầu tiên chuyển đổi qua lại giữa các vùng chiến sự khác nhau thì nội dung Call of Duty 3 chỉ xoay quanh xung đột sau trận Normandy. Theo phong cách Call of Duty truyền thống, các sự việc được nhìn nhận dưới con mắt của những nhân vật từ nhiều quốc gia khác nhau, từ bộ binh Canada tới lính xe tăng Ba Lan, tất cả làm nên một cái nhìn tổng thể cho trận chiến.
Việc tập trung vào một phần nhỏ, dù rất quan trọng, của cuộc chiến khiếnCall of Duty 3 trở nên đặc biệt so với các phiên bản khác. Tuy vậy, có thể thấy rõ tầm ảnh hưởng với những bản Call of Duty sau này. Mặc dầu Modern Warfare quay lại phong cách chuyển cảnh ban đầu nhưng trong mỗi câu truyện vẫn giữ được tính tập trung cao độ. Cốt truyện đan xen nhiều tuyến nhân vật cũng là một nhân tố quan trọng cho các game Modern Warfare.
Campaign của Call of Duty 3 bị đánh giá quá thấp đơn giản vì ra mắt không đúng thời điểm, khi mà hứng thú với đề tài thế chiến thứ 2 đang giảm dần và ngay trước khi cơn sốt mang tên Modern Warfare xuất hiện. Phần chơi multiplayer chịu số phận tương tự, khi mà một số hệ thống thiết kế xuất sắc nhanh chóng bị lãng quên khi Infinity Ward đưa tựa game sang bối cảnh hiện đại.
Trái ngược với nhịp độ nhanh trong những game tiền nhiệm, phần chơi multiplayer của Call of Duty 3 cần sự kiên nhẫn và chính xác. Yêu cầu về phối hợp đồng đội cũng như phần điều khiển phương tiện tuyệt vời khiến Call of Duty 3 giống Battlefield hơn là những phiên bản hiện giờ. Các trận chiến diễn ra trên những đồng quê hay thị trấn xinh đẹp của nước Pháp, và chiến thắng chỉ thuộc về team có sự phối hợp ăn ý nhất.
Call of Duty 3 sẽ chỉ luôn được nhớ tới là như một bước đệm trước thành công rực rõ của Call of Duty 4: Modern Warfare. Đó là một điều bất công vì trên thực tế, những phiên bản sau này thực sự là bước thụt lùi so với tựa Call of Duty cuối cùng lấy đề tài thế chiến. Hy vọng một ngày nào đó, series Call of Duty sẽ nhìn lại quá khứ và ngừng ra mắt những sản phẩm mì ăn liền như hiện nay.
GameSao.vn
Xem thêm video về LMHT, DOTA2 tại http://gosutv.vn