Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 130km, huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất thành Nam với nhiều điểm tham quan độc đáo như: Vườn quốc gia Xuân Thủy; Bảo tàng Đồng Quê; Đền thánh Sa Châu;…
Đặc biệt, nếu có dịp tới Giao Thủy, những tín đồ đam mê ẩm thực không nên bỏ lỡ chợ Bể - khu chợ cổ khoảng 500 năm tuổi được xem là địa chỉ ăn uống quen thuộc của người bản địa, nơi bày bán nhiều thức quà vặt dân dã và các món ngon, đặc sản địa phương.
Chợ Bể nằm cạnh Quốc lộ 37B, thuộc xã Giao Nhân, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Điều đặc biệt là chợ chỉ họp 6 phiên trong tháng, vào buổi sáng các ngày mồng bốn, mồng tám, mười bốn, mười tám và hai mươi bốn, hai mươi tám. Trong đó, phiên chợ cuối cùng của năm vào ngày 28 Tết là đông và quy mô lớn nhất, kéo dài từ sáng sớm đến chiều tà, luôn nhộn nhịp người dân và du khách tới tham quan, mua sắm.
Chợ Bể hiện vẫn lưu giữ được lối kiến trúc truyền thống, mang đậm nét cổ kính, mộc mạc dù đã trải qua nhiều lần cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang. Tại khu chợ này, ngoài các khu vực mới được dựng lên để đáp ứng nhu cầu buôn bán sầm uất của người dân thì vẫn còn tồn tại những gian chợ cổ kính từ xưa được xây bằng gạch đất nung thủ công, mái ngói bạc màu.
Các gian hàng, dãy chợ đều được phân chia, thiết kế quy củ, ngăn nắp, khoa học. Trong đó, khu vực các gian chợ cổ, xưa cũ thì bày bán các mặt hàng truyền thống, còn dãy nhà mái bằng bán quần áo, giày dép thời trang,… Khu ẩm thực được sắp xếp phía cuối chợ, thu hút những tín đồ ẩm thực tới thưởng thức quà quê.
Ở chợ Bể hiện vẫn bày bán nhiều món ăn, thức quà vặt tuổi thơ gắn bó với biết bao thế hệ người dân nơi đây như bánh đa, chè thập cẩm, bánh rán, bánh chuối,… Chưa kể, giá thành rẻ đến mức khó tin cũng là điểm cộng hút khách tới đây để lấp đầy bụng bằng những món ngon thuở xưa.
Những chiếc bánh rán giòn rụm, nóng hổi có màu cam bắt mắt là thức quà vặt được nhiều người yêu thích và thưởng thức khi đến chợ Bể. Bánh to cỡ 4 đầu ngón tay chụm lại, đầy ắp nhân đỗ, dừa bên trong nhưng giá “rẻ như cho”, chỉ 2.000 đồng/chiếc.
Bánh gai (màu đen) và bánh gấc (màu cam) cũng là hai loại bánh quen thuộc được nhiều người địa phương yêu thích. Giá mỗi chiếc bánh là 5.000 đồng, đủ làm thực khách no bụng bữa xế chiều.
Bánh dùng có vẻ ngoài giống bánh trôi, bánh chay song kích thước to hơn, bằng nắm tay trẻ em. Bánh được đặt trong lớp lá dong, mỗi bọc 10.000 đồng/5 chiếc. Món bánh này cũng được chế biến với vài kiểu nhân đa dạng như nhân ngọt (đỗ xanh), nhân mặn (đỗ xào hành),…
Chị Hằng – một tiểu thương kinh doanh các mặt hàng ăn uống ở chợ Bể khoảng 10 năm nay cho biết, các món bánh đều được chế biến thủ công, giữ nguyên hương vị truyền thống và giá rất rẻ. Nhiều thực khách xa quê mỗi lần có dịp về đây đều tìm mua bánh để ăn hoặc mang đi tỉnh thành khác.
Nhiều bạn trẻ từ Hà Nội trở về Giao Thủy nghỉ Tết cũng tranh thủ ghé chợ Bể để thưởng thức nhiều món quà vặt tuổi thơ như bánh đa, chè thập cẩm, bánh chuối,…
“Bây giờ không khó để tìm siêu thị, quán ăn, trung tâm thương mại,… có bày bán đủ của ngon vật lạ nhưng mình vẫn thích đi chợ quê như chợ Bể, ăn những món mà ở thành phố không có. Thậm chí, đồ ăn cũng rất rẻ, có những món chỉ 2.000 đồng, thoải mái no căng bụng cũng không tốn”, Thu Hà, 19 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ.
Ngoài các thức quà truyền thống, gắn bó với bao thế hệ người dân địa phương, ở chợ Bể còn bày bán một số món ăn vặt “bắt trend”, phục vụ nhu cầu ăn uống, trải nghiệm ẩm thực đa dạng của giới trẻ như bánh mì nướng muối ớt, thịt xiên nướng, bánh tráng cuốn,… với giá bình dân, chỉ từ 5.000 – 7.000 đồng/chiếc,…
Không chỉ thưởng thức tại chỗ, du khách ghé chợ Bể dịp Tết có thể mua một số món ngon về làm quà cho bạn bè, người thân như bỏng, quẩy, bánh đa đỏ, nem nắm Giao Thủy,… hay hải sản tươi sống các loại.
Phan Đậu