Hãy tưởng tượng, bạn đang bị mắc kẹt trong một ngôi trường vào ban đêm. Không có chút ánh sáng, tất cả lối ra vào đều bí khóa trái. Rõ ràng trong bối cảnh như vậy bạn biết chắc rằng chẳng còn ai ở trong trường lúc này, thế nhưng những tiếng bước chân vẫn không ngừng vang lên từ sau lưng. Với chiếc điện thoại là nguồn sáng duy nhất, bạn sợ sệt quay người lại và được chào đón bởi một gương mặt trắng bệch bất thình lình lao về phía mình kèm theo là tiếng thét đầy kinh hãi.
Đó là những gì đang chờ đợi bạn trong DreadOut - tựa game kinh dị đến từ Indonesia.
Gameplay
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhiều fan sành sỏi của thể loại kinh dị có thể nhanh chóng nhận ra DreadOut học tập khá nhiều từ Fatal Frame. Người chơi vào vai Linda Melinda - nữ sinh người Indonesia với nhiệm vụ giải quyết các câu đố cũng như chiến đấu chống lại thông qua chức năng chụp ảnh từ chiếc điện thoại.
Thông thường người chơi điều khiển Linda dưới góc nhìn người thứ ba nhưng cách duy nhất để tiêu diệt ma là sử dụng camera của chiếc smartphone. Tương tự như
Fatal Frame, khi ở khoảng cách đủ gần hình ảnh trên máy ảnh sẽ bóp méo và chụp ảnh tại thời điểm đó sẽ gây sát thương cho lũ ma quỷ. Một số loại ma có thể bị tiêu diệt bằng cách chụp liên tục, số khác khó nhằn hơn thì đòi hỏi bạn phải chụp đúng điểm yếu của chúng.
Nếu thất bại, Linda sẽ chết và rơi vào thế giới Limbo được khắc họa dưới dạng một đường hầm tối tăm với ánh sáng ở phía trước. Khi đó người chơi cần chạy tới nguồn sáng để hồi sinh. Càng chết nhiều khoảng cách này lại càng trở nên xa hơn, và mặc dù như vậy đồng nghĩa với việc không tồn tại khái niệm Game Over trong
DreadOut, việc mất vài phút chỉ nhấn giữ W để được chơi tiếp quả thực không hề dễ chịu chút nào.
Ngoài nhiêm vụ tiêu diệt những bóng ma bạn cũng sẽ gặp phải nhiều câu đố trong quá trình chơi, từ tìm đường, chìa khóa để mở các vật dụng và nhìn chung chúng tương đối khó. Các nhà phát triển đã trợ giúp người chơi khi thiết kế màn hình game phát ra ánh sáng xanh nhạt mỗi khi xung quanh Linda đang có thứ gì đó quan trọng, nhưng tìm ra chúng cũng không phải là công việc dễ dàng gì.
Cốt truyện
Linda Melinda và những người bạn cùng lớp đang trên đường trở về sau chuyến dã ngoại thì bắt gặp lệnh cấm đường khi chuẩn bị qua cầu. Trong lúc chưa biết xử trí ra sao, họ vô tình phát hiện ra một thị trấn bỏ hoang gần đó. Rắc rối bắt đầu khi nhóm học sinh quyết định tìm hiểu bên trong ngôi trường của thị trấn.
Trong quá trình chơi, Linda sẽ tìm thấy nhiều đầu mối như các mẩu báo, nhật ký viết tay, ảnh chụp... gợi ý tới những điều đen tối đã xảy đến với thị trấn.
DreadOut có thời lượng chơi rơi vào khoảng năm giờ và tựa game chuẩn bị được phát hành vào ngày 15/5 thông qua
Steam chỉ là phần đầu tiên trong số hai phần mà hãng Digital Happiness dự định phát hành. Phần nội dung còn lại sẽ được ra mắt dưới dạng DLC miễn phí sau này.
Âm thanh và hình ảnh
Với một hãng phát triển đến từ Indonesia còn khá non trẻ trong ngành công nghiệp game, những gì mà Digital Happiness mang đến cho người chơi có thể nói là rất thành công. Mặc dù cảnh vật, mô hình chưa được chi tiết, cử động nhân vật thô cứng nhưng
DreadOut vẫn đủ sức khiến cho người chơi thót tim ở những pha hù dọa hay hồi hộp trong suốt quá trình chơi.
Hiệu ứng âm thanh của
DreadOut phải nói là không có gì để chê trách. Rõ ràng đội ngũ phát triển đã suy tính rất nhiều khi thiết kế mảng này cho game và kết quả là khiến cho người chơi luôn trong trạng thái căng thẳng tột độ khi điều khiển Linda lang thang xung quanh các hành lang của ngôi trường bỏ hoang. Đó là những tiếng thét kinh hãi của những bóng ma, những âm thanh ghê rợn nhưng chỉ đủ to ở mức khiến bạn băn khoăn rằng liệu mình có thực sự nghe thấy chúng hay không và thường xuyên phải quay lại kiểm tra phía sau lưng.
Nhìn chung, trải nghiệm mà DreadOut mang lại là sự sợ hãi và đôi chút bực dọc trước những câu đố thử thách mà đội ngũ phát triển đặt ra. Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy thật sự sợ hãi ở một số trường đoạn trong quá trình chơi, đồng thời ngạc nhiên và hụt hẫng bởi thời lượng chơi khá ngắn của DreadOut.
DreadOut mặc dù chưa thể so sánh với nhiều tựa game kinh dị lão làng khác, tuy nhiên những gì mà nó mang lại chắc chắn đủ sức thỏa mãn các fan của thể loại này. Bên cạnh đó việc một đội ngũ phát triển non trẻ đến từ Indonesia có thể tạo ra một tựa game ấn tượng với kinh phí thấp như DreadOut cũng sẽ tiếp thêm động lực và hy vọng cho nhiều hãng game indie khác ở khu vực châu Á.
Theo Tri Thức Trẻ